BÀI 5
GIÊ-RI-CÔ - THẮNG BỞI ĐỨC TIN
Giô-suê 5:13-6:27
Dẫn nhập:
Nhà
cầm quân bậc thầy trên thế giới là Tôn Tử trong quyển “The Art of War” (Binh
Pháp Tôn Tử) đã đưa ra một bí quyết
giúp chiến thắng trong chiến tranh: “Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bách thắng”. Biết
kẻ thù, biết chính mình, trăm trận trăm thắng. Biết kẻ thù là biết điểm mạnh,
điểm yếu của kẻ thù, biết chính mình cũng là biết điểm mạnh điểm yếu của mình.
Nếu kẻ thù yếu hơn thì nắm lấy thời cơ, lập tức tấn công. Nếu kẻ thù mạnh hơn,
thì tìm cách hòa hoãn để có thời gian củng cố lực lượng…
Thế
nhưng, một câu hỏi được đặt ra là: Nếu như kẻ thù là quá mạnh, quá tinh ranh,
còn mình thì yếu đuối, ngu muội … không cách nào để thắng hơn được thì làm sao
? Cách tốt nhất có thể làm đó là tìm
kiếm người mạnh sức hơn, khôn ngoan hơn kẻ thù và nhờ cậy người ấy giúp đỡ và làm
theo điều người ấy sai bảo.
Sau
khi thuật lại công tác chuẩn bị của Y-sơ-ra-ên (3:1-5:12), người kể chuyện tiếp
tục thuật câu chuyện chinh phục đất hứa. Trong vòng một thời gian ngắn, với sự ban cho của Chúa, Giô-suê đã lãnh đạo
dân sự Y-sơ-ra-ên chinh phục gần như hoàn toàn vùng đất Ca-na-an. Khởi đầu là
chiến thắng tại Giê-ri-cô (6:1-27) cho đến khi toàn chiếm cả xứ (11:23).
Nhìn vào toàn bộ cuộc chiến của
Y-sơ-ra-ên từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc, nhiều người không khỏi ngạc nhiên
vì nó không giống như những cuộc chiến bình
thường khác. Thường kẻ mạnh hơn, khôn hơn thì tất thắng. Nhưng trong cuộc
thánh chiến của Y-sơ-ra-ên, kẻ yếu sức hơn lại chiến thắng, lại chiến thắng bằng
một phương cách lạ lùng. Chỉ cần khiêng hòm giao ước, một thánh vật trong sự thờ
phượng, đi vòng quanh thành mỗi ngày một lần. Đến ngày thứ bảy đi gắp bảy lần
và … thổi kèn, la lớn. Thế là một thành lũy kiên cố bằng hai lớp tường dày cửa
đóng then gài tức thì sụp đổ. Tuy nhiên sau đó, vừa hạ xong một thành lớn, đội
quân chiến thắng đó lại bại trận trước một thành nhỏ khác, lý do rất lạ lùng,
chỉ vì một thành viên trong đội quân phạm tội đánh cắp một vật đáng diệt …
Bằng
cách kể chuyện thật hấp dẫn, người kể chuyện muốn chứng minh cho mọi người thấy
thể nào yếu tố tất thắng trong cuộc
thánh chiến. Không phải bởi “Tri bỉ, tri kỷ” hay sự tài giỏi của con người, mà
hoàn toàn bởi sự ban cho của Chúa. Trong Giô-suê, động từ “phó” (give) được tác giả lập lại nhiều lần
để khẳng định, tất cả chỉ bởi sự ban cho
của Gia-vê (2:24,6:2,16, 8:1,7,18. 10:8,12,19,30,32, 11:6,8). Nếu Gia-vê khứng,
Ngài ban cho. Nhưng nếu Ngài không khứng, thì Ngài lấy lại. Dĩ nhiên trong sự
chiến thắng không thể không kể đến yếu tố con người. Nhưng rõ ràng tác giả cho
thấy, điều tốt nhất mà một người có thể làm được không gì khác hơn là sự tin cậy,
vâng lời.
***Bài
học về cuộc chinh chiến của Y-sơ-ra-ên trong Giô suê có thể coi như một bản Anh
hùng ca[1]
(epic) về ân điển Chúa. Đức Chúa
Trời Thành Tín giữ lời giao ước, ban đất hứa cho Y-sơ-ra-ên. Người chiến thắng
không phải là người tài giỏi, nhưng là người hết lòng tin cậy và vâng lời.
Bài học cũng là một sự dạy dỗ quí báu cho Cơ-đốc nhân ngày nay trong cuộc chiến
thuộc linh. Ma quỉ, kẻ thù của Hội
Thánh là vô cùng khôn ngoan và mạnh sức, không ai có thể dùng sức riêng mình mà
thắng hơn. Chỉ Đấng Chiến thắng duy nhất là Cứu Chúa Giê-xu. Muốn đắc thắng
Cơ-đốc nhân phải tuyệt đối tin cậy và vâng lời Chúa.
I. TỔNG
QUÁT VỀ CHIẾN DỊCH CHINH PHỤC ĐẤT HỨA (5:13-12:24)
Có
cả thảy 3 chiến dịch chinh phục đất hứa:
1. Chiến dịch miền Trung (5:13-6:27):
Chiến dịch này được chia thành hai
giai đoạn: Giai đoạn 1, chiếm thành lớn Giê-ri-cô, sau đó là thành A-hi, sau
chiến thắng vất vả tại A-hi, đánh dấu bằng việc tái lập giao ước tại Ê Banh. Tiếp tục đánh chiếm liên minh các Vua
miền Trung.
2. Chiến Dịch Miền Nam (10:1-43)
Sau khi chiếm lĩnh miền Trung, chia
cắt Ca-na-an thành hai miền, vô hiệu
hóa sức mạnh của kẻ thù. Giô-suê và Y-sơ-ra-ên tiếp tục đánh chiếm La ki, Hếp
rôn, Đê bia và Ga xa, hoàn toàn chinh phục miền Nam.
Một chi tiết bất thuờng trong chiến dịch miền Nam là sự có mặt của quân đội Ga
ba ôn. Y-sơ-ra-ên bị lâm vào thế “chẳng đặng đừng” vì đã trót ký hòa ước với
dân Ga ba ôn mà không cầu hỏi Chúa. Điều này trở thành một vết đen trong chiến
thắng của họ, và cũng là một bài học cho con dân Chúa về sự thỏa hiệp với kẻ
thù.
III. Chiến Dịch Miền Bắc (11:1-12:24)
Giô-suê cùng Y-sơ-ra-ên đánh bại
liên mình miền Bắc tại Mê rôm và tiến chiếm cho đến Hát so, hoàn toàn bình định
miền Bắc.
BẢNG SO SÁNH CÁC TRẬN ĐÁNH QUAN TRỌNG CỦA DÂN Y-SƠ-RA-ÊN
NỘI DUNG
|
TRẬN GIÊ-RI-CÔ
|
TRẬN A-HI
|
TRẬN GA-BA-ÔN
|
Sức
mạnh kẻ thù
|
Thành
lũy kiên cố, mạnh mẽ.
|
Thành
nhỏ, không đáng kể.
|
Thành
lớn, khôn ngoan, xảo quyệt
|
Diễn
biến trận đánh
|
Chúa
truyền đi vòng quanh 7 ngày, mỗi ngày 1 vòng, ngày thứ 7 đi 7 vòng, thổi kèn,
la lớn tiếng, thành sụp đổ.
|
A
can phạm tội ăn cắp vật đáng diệt, dân sự thất bại. Giô-suê giải quyết tội lỗi,
Chúa giúp chiến thắng.
|
Y-sơ-ra-ên
không cầu hỏi Chúa nên bị dân Ga ba ôn gạt ký hòa ước. Chẳng những không thể
làm gì được họ mà còn phải giúp họ chiến đấu chống lại kẻ thù.
|
Sự
can thiệp của Chúa
|
Làm
cho thành sụp đổ
|
Giúp
giải quyết tội lỗi và giúp dân sự chiến thắng
|
Làm
cho mưa đá rơi xuống và làm cho mặt trời dừng lại 1 ngày trọn để Y-sơ-ra-ên tận
diện kẻ thù
|
Thái
độ của Y-sơ-ra-ên
|
Tin
cậy vâng lời
|
Ăn
năn và giải quyết tội lỗi
|
Cầu
xin Chúa can thiệp vào thiên nhiên
|
Bài
học
|
Tin
cậy vâng lời
|
Thánh
khiết trọn vẹn, coi chừng những tội nhỏ
|
Không
nên thỏa hiệp, phải cầu hỏi ý Chúa trước khi quyết định
|
Ba
kẻ thù của Y-sơ-ra-ên ngày xưa có thể
tượng trưng cho ba kẻ thù của Cơ-đốc nhân ngày nay trong cuộc chiến thuộc linh:
ma quỉ, tội lỗi và thế gian. Ma
quỉ tuy mạnh sức nhưng đã bị Chúa trói buộc (hình ảnh dân Y-sơ-ra-ên đi vòng
quanh thành Giê-ri-cô nói lên sự trói buộc của Chúa). Để chiến thắng, Cơ-đốc
nhân phải biết nhơn danh Chúa và chiến đấu lại, đồng thời phải vâng phục theo mạng
lệnh của Ngài cách tuyệt đối. Tội lỗi, tuy nhỏ nhưng đủ sức đánh bại Cơ-đốc
nhân nếu vẫn chứa chấp nó. Để thắng hơn tội lỗi, Cơ-đốc nhân cần phải biết ăn
năn và giữ gìn đời sống mình đẹp lòng Chúa luôn luôn. Kẻ thù nguy hiểm nhất là
thế gian, thế gian luôn muốn con cái Chúa thỏa hiệp với nó. Để thắng hơn, cần
phải hết lòng cầu hỏi Chúa trong tất cả mọi điều của đời sống mình (I Gi
2:15-17).
II. CUỘC CHIẾN GIÊ-RI-CÔ
1. Xác Định Đấng Chỉ Huy Tối
Cao (5:13-15)
Một
số nhà giải nghĩa Kinh Thánh sắp đặt 5:13-15 thuộc phần thứ hai của sách thay
vì trong phần một. Câu chuyện về sự chuẩn bị khép lại ở cột mốc Chúa không ban ma na xuống nữa, và dân sự chính thức ăn
thổ sản của xứ và chuyển sang câu chuyện chinh chiến của Y-sơ-ra-ên bằng việc
xác định ai là Đấng Chỉ huy tối cao của chiến dịch:
“Xảy khi
Giô-suê ở gần Giê-ri-cô, ngước mắt lên mà nhìn, bèn thấy một người đứng cầm
gươm trần đối diện cùng mình. Giô-suê đi lại người và nói rằng: Ngươi là người
của chúng ta hay là người của kẻ thù nghịch chúng ta? 14
Người đáp: không, bây giờ ta đến làm tướng đạo binh của Đức
Giê-hô-va. Giô-suê bèn sấp mặt xuống đất, lạy và hỏi rằng: Chúa truyền cho tôi
tớ Chúa điều gì? 15 Tướng đạo binh của Đức
Giê-hô-va nói cùng Giô-suê rằng: Hãy lột giày khỏi chân ngươi, vì nơi ngươi đứng
là thánh. Giô-suê bèn làm như vậy.”
Cùng xuất hiện với một mạng lệnh giống với
Môi-se trước khi bắt đầu chức vụ, vị thiên sứ xưng là “tướng đạo binh của Đức
Giê-hô-va” hiện ra đang lúc ông ở một mình gần thành Giê-ri-cô, truyền ông “lột
giày khỏi chân”, nhận lấy sự thờ lạy của Giô-suê cho thấy đây không phải là một
thiên sứ “bình thường”. Có một số nhà giải nghĩa cho rằng đây là một thiên sứ
nào đó được Chúa sai phái, nhưng có một số cho rằng đây chính là Đức
Giê-hô-va hiện ra cùng Giô-suê để thực
hiện lời hứa mà Ngài đã hứa cùng ông. Chính Ngài, chớ không phải Giô-suê là lãnh đạo tối cao trong chiến dịch. Nhiệm
vụ của Giô-suê từ bây giờ là phải nghiêm chỉnh chấp hành mọi mệnh lệnh từ nơi
Chúa. Thanh gươm trần mang ý nghĩa sẵn sàng chiến đấu, Tướng đạo binh Đức
Giê-hô-va đến để chiến trận cùng với dân sự Ngài, nhưng cũng sẵn sàng nghiêm phạt
nếu như họ không vâng lời.
Có
thể nói sự hiện ra của Tướng đạo binh Đức Giê-hô-va là một bước ngoặt vĩ đại
trong cuộc thánh chiến và là phước hạnh lớn lao dành cho dân sự Ngài. Nếu Ngài
thuộc về chúng ta thì ai sẽ cự địch lại cùng chúng ta ?
2. Chiếm Lấy Thành Giê-ri-cô
(6:1-27)
a. Lời Đảm Bảo Từ Đức Giê-hô-va
(c.1-2)
“Kìa,
ta đã phó Giê-ri-cô, vua, và các chiến sĩ mạnh dạn của nó vào tay ngươi.” Lời đảm bảo vô cùng quan trọng
dành cho Y-sơ-ra-ên. Thánh Kinh có 317 lần nhắc lại động từ “phó” (give) và là
đầu đề của biết bao nhiêu phước hạnh
dành cho con cái Chúa. Điều quan trọng trong tất cả mọi công việc mà một người
có thể nhận được tùy thuộc vào việc Chúa có cho hay không. Cuộc chiến không phải
của Y-sơ-ra-ên mà là của Chúa.
b. Mạng Lệnh Chiếm Thành (3-5)
Đức Giê-hô-va phán cùng Giô-suê rằng: Kìa, ta đã phó
Giê-ri-cô, vua, và các chiến sĩ mạnh dạn của nó vào tay ngươi. 3 Vậy, hết thảy các ngươi, là chiến sĩ, hãy đi
vòng chung quanh thành một bận; phải làm như vậy trong sáu ngày. 4 Bảy thầy tế lễ sẽ đi trước hòm giao ước cầm bảy
cái kèn tiếng vang; nhưng qua ngày thứ bảy, các ngươi phải đi vòng chung quanh
thành bảy bận, và bảy thầy tế lễ sẽ thổi kèn lên. 5 Khi
những thầy tế lễ thổi kèn vang, các ngươi vừa nghe tiếng kèn, hết thảy dân sự
phải la tiếng lớn lên, thì vách thành sẽ sập xuống, rồi dân sự sẽ leo lên, mỗi
người ngay trước mặt mình.
Mạng
lệnh bắt đầu bằng một lời khẳng định về sự ban cho của Chúa (c.2), kế đến là những
lời phán bảo có liên quan đến một loạt những con số sáu và số bảy: sáu ngày mỗi
ngày một vòng, đi bảy ngày, bảy thầy tế lễ, bảy cây kèn, bảy vòng…(c.4). Sau
cùng là hành động biểu thị sự đắc thắng (c.5).
Không
một mưu kế, không một chiến thuật bài bản nào. Tất cả đều phô bày một điều gì đó hoàn toàn thuộc về Đức Chúa Trời và theo
phương cách của Ngài. Những bước chân của Y-sơ-ra-ên vòng quanh thành trông giống
một cuộc duyệt binh và phô trương lực lượng hơn là một cuộc chiến. Thật ra thắng bại đã rõ ràng, phần thắng thuộc
về Đấng Ngoài thành chớ không phải những thần tượng gian ác trong thành.[2]
Đức Chúa Trời đã khứng, Ngài đã ban thành cho Y-sơ-ra-ên . Tuy nhiên để nhận được,
người nhận phải tuyệt đối vâng lời. Đó là lý do tại sao Chúa truyền cho họ phải
đi vòng vòng trong sáu ngày, ngày thứ bảy đi bảy vòng. Số vòng đi càng ngày
càng tăng lên, nói lên Chúa muốn nâng
cao mức độ vâng lời của con cái Ngài. Và khi họ vâng lời đủ, phép lạ xảy đến.
Thật
ai có thể giải thích lý do tại sao Đức Chúa Trời lại bảo dân Y-sơ-ra-ên đi vòng
quanh thành Giê-ri-cô. Sách Giải nghĩa Thế kỷ 21 thì cho rằng là hành động cho
thấy Đức Chúa Trời “khoanh vùng” và chọn thành này thuộc về Ngài. Việc đi vòng
quanh thành nhiều vòng giống như hành động trói
buộc quyền lực của kẻ mạnh sức trước khi cướp lấy nhà của người ấy (Mat
12:29). Việc khiêng hòm Giao ước đi vòng quanh thành vừa đi vừa thổi kèn cũng
nói lên sự đắc thắng. Khiêng hòm
giao ước đi sáu ngày, cũng để gởi đến
cho Giê-ri-cô một thông điệp: Đức Chúa Trời là Đấng Đắc thắng, không có thể chống
cự lại với Ngài. Hành động khôn ngoan nhất là mở cổng thành để tiếp rước Ngài.
Thời gian dân Y-sơ-ra-ên đi vòng quanh thành cũng là thời gian Chúa chờ đợi họ
ăn năn.
c. Sự Vâng Lời của Y-sơ-ra-ên –
Thành Giê-ri-cô sụp đổ (6:6-25)
Điều
đáng ngạc nhiên ở đây chính là thái độ vâng lời Chúa cách tuyệt đối của Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên. Khi nhận được lời đảm bảo
của Chúa cùng những dặn dò của Ngài, toàn dân Y-sơ-ra-ên từ người lãnh đạo đến
tất cả dân sự Y-sơ-ra-ên đều nhất nhất tuân theo. Họ đi vòng quanh thành sáu
ngày, mỗi ngày một vòng. Ngày thứ bảy họ gia tăng hành trình của mình lên bảy
vòng. Sau vòng thứ bảy, các thầy tế lễ thổi kèn, dân sự đồng nhất tề la lớn.
Thành lớn Giê-ri-cô sụp đổ, dân sự chiếm lấy thành và diệt đi tất cả mọi người
trong thành ngoại trừ kỵ nữ Ra-háp như lời kết ước ban đầu.
Như
đã nói trong phần trên, câu chuyện chiến thắng thành Giê-ri-cô xứng đáng là một
bản Anh hùng ca về ân điển Chúa. Yếu tố tất thắng trong cuộc chiến không phải ở
chổ tài giỏi của con người mà là sự ban cho của Chúa. Đức Chúa Trời là thành
tín giữ lời giao ước, Ngài ban cho dân Y-sơ-ra-ên sự chiến thắng. Tuy nhiên để
nhận được lời hứa, con dân Chúa cần nhận biết quyền năng Ngài. Cần phải vâng phục
Chúa và tôn cao danh Ngài. Khi danh Chúa được tôn cao, phép lạ sẽ xảy đến.
Bảy
ngày, mỗi ngày đi một vòng, ngày thứ bảy đi bảy vòng gợi ý một tiến trình bảy bước của sự đầu phục
Chúa, từ khi nhận biết Ngài cho đến khi hoàn toàn đầu phục Chúa của một người:
B1. Nhận biết quyền tể trị của Chúa
B2. Nhận biết sự bất lực của bản thân
B3. Nhận biết sự phước hạnh Chúa cho
qua đời sống đắc thắng
B4. Từ bỏ những điều mình không yêu thích
B5. Từ bỏ những điều mình yêu thích
B6. Học tập im lặng và tin cậy trong mọi sự
B7. Hoàn toàn đầu phục Chúa.
d. Lời rủa sả (c.26-27)
Cảm
nhận được tính nghiệm trọng của Giê-ri-cô và để bày tỏ thái độ mạnh mẽ đối với
tội lỗi gian ác của nó. Giô-suê đã đưa ra một lời rủa sả: “Phàm
ai chỗi lên xây lại thành Giê-ri-cô nầy sẽ bị rủa sả trước mặt Đức Giê-hô-va! Đặt
nền nó lại, tất con trưởng nam mình phải chết; dựng cửa nó lại tất con út mình
phải chết.”
Lời
thề này được ứng nghiệm sau đó trong câu chuyện được ghi chép ở I Vua 16:34. Di
tích của Giê-ri-cô vẫn còn lại cho đến ngày nay như một chứng cứ về quyền năng
của Chúa và là một lời tiên báo cho ma quỉ về số phận hư mất đời đời của nó.
[1]
Còn gọi là sử thi, hình thức
ca ngợi các anh hùng trong văn chương cổ đại. Trong sử thi, người kể chuyện thường
nhấn mạnh đến sự can thiệp của các thần vào cuộc chiến tranh như một yếu tố
quan trọng dẫn đến chiến thắng. Tuy cũng bày tỏ sự can thiệp của Chúa vào chiến
trận, nhưng câu chuyện chinh phục đất hứa của Y-sơ-ra-ên trong Giô-suê không giống
như các hình thức sử thi khác, nó không phải là một hư cấu, nhưng là câu chuyện
lịch sử hoàn toàn có thật.
[2] Giê-ri-cô có nghĩa là “thành phố mặt trăng” có
lẽ vì đã dâng cho thần mặt trăng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét