Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

MƯỜI ĐIỀU NÊN NHỚ DÀNH CHO NGƯỜI BẮT ĐẦU LẠI


BÀI 2

MƯỜI ĐIỀU NÊN NHỚ DÀNH CHO

NGƯỜI BẮT ĐẦU LẠI

Giô suê 1:1-18

Mục tiêu:

-         Giúp học viên nhận biết và kể ra được thể nào sau cái chết của Môi-se, Đức Chúa Trời phán bảo Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu lại cuộc chinh phục đất hứa, những dạy dỗ của Chúa dành cho ông.

-         Giúp cảm nhận được Đức Chúa Trời luôn muốn Cơ Đốc nhân bắt đầu lại những lãnh vực khác nhau trong đời sống mình nếu như đã thất bại và những trang bị của Chúa dành cho họ.

-         Giúp cam kết bắt đầu lại theo mạng lệnh Chúa nếu có.

Dẫn nhập:

          Ai trong chúng ta cũng có lần vấp ngã hay thất bại trong cuộc sống. Nhưng điều quan trọng không phải là cứ đau buồn hối tiếc về những gì đã xảy ra, mà là bắt đầu lại theo ý muốn Chúa.

Mục sư John M. Drescher đã viết hai quyển sách rất hay, đó là quyển “Nếu Bắt Đầu Lại Chức Vụ” và “Nếu Bắt Đầu Lại Gia Đình”. Trong cả hai quyển, ông đều đưa ra một mẫu câu và những tình huống giả định có liên quan đến đời sống chức vụ và gia đình của một người hầu việc Chúa: “Nếu bắt đầu lại … thì tôi sẽ …”

-         Nếu bắt đầu lại chức vụ, thì tôi sẽ cố gắng kỷ luật nhiều hơn.

-         Nếu bắt đầu lại chức vụ, thì tôi sẽ dành nhiều thời giờ nghiên cứu và rao giảng Kinh Thánh nhiều hơn.

-         Nếu bắt đầu lại chức vụ, thì tôi sẽ sẽ tập trung chức vụ vào Chúa nhiều hơn, sẽ cầu nguyện nhiều hơn.

-         Nếu bắt đầu lại gia đình, thì tôi sẽ yêu vợ nhiều hơn.

-         Nếu bắt đầu lại gia đình, tôi sẽ cười đùa nhiều hơn với các con.

-         Nếu bắt đầu lại gia đình, tôi sẽ lắng nghe nhiều hơn v.v…

          Quyển sách được coi là “những chỉ giáo vượt thời gian và những lời khôn ngoan làm thay đổi cuộc đời”.

          Tất nhiên, không ai có thể tự quay ngược dòng thời gian để bắt đầu lại gia đình hay sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, đối với Đức Chúa Trời thì có thể. Đức Chúa Trời không “hóa phép” để chúng ta được “trở vào lòng mẹ” và sanh ra lần thứ hai (Gi 3:4), nhưng Ngài có thể giúp chúng ta bắt đầu lại cách mới mẻ với Ngài.

          Thánh Kinh cũng cho thấy điều này:

-         Sự bắt đầu lại của Môi-se (Xuất 3:10)

-         Sự bắt đầu lại của Sam-sôn (Các 15:22)

-         Sự bắt đầu lại của Phi-e-rơ (Gi 21:15-19)

-         Sự bắt đầu lại của người đàn bà tà dâm bị bắt quả tang (Gi 8:11)

          Nhiều học giả cho rằng sách Giô-suê là “sách của cơ hội thứ hai”, hay “sách của sự bắt đầu lại”. Sách mô tả những việc xảy ra ngay sau cái chết của nhà lãnh đạo Môi-se (Giô 1:1), đánh dấu sự chấm dứt của một thế hệ thất bại sau bốn mươi năm lang thang trong sa mạc. Bốn mươi năm trôi qua như một hình phạt của Chúa dành cho sự tà dâm thuộc linh và bội nghịch của họ (Dân 14:33). Giô-suê được làm chứng rằng ông vô tội, cùng với Ca lép, ông là người được miễn trừ hình phạt phải chết trong đồng vắng. Bốn mươi năm trôi qua với những đau buồn dành cho một thế hệ bội nghịch mà ông cũng là một phần tử trong đó. Nhưng Đức Chúa Trời không muốn ông chấm dứt câu chuyện của mình, Ngài muốn ông tiếp tục đứng dậy, tiếp tục bước đi. Nhưng lần này, rút kinh nghiệm của người đi trước, ông cần phải cẩn thận nhiều hơn, tin cậy nhiều hơn, vâng lời nhiều hơn (Giô 1:7-8).

          Bài học về mạng lệnh của Chúa dành cho dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa cũng là bài học dành cho những ai đã và đang trải nghiệm sự thất bại trong một lãnh vực nào đó của đời sống mình.

          Có Mười điều nên nhớ dành cho người bắt đầu lại dựa theo Giô-suê 1:1-18.

I. BẮT ĐẦU LẠI VỚI CHÚA (1:1-9)

          Trước khi bắt đầu lại với con người, dân Y-sơ-ra-ên cần phải bắt đầu lại với Chúa:

Điều 1. Bắt đầu lại với sự kêu gọi của Chúa (1:1-2)

          Được Chúa kêu gọi là điều quan trọng, nhưng nhận biết sự kêu gọi của Chúa còn quan trọng hơn.

          Các nhà Thần học phân biệt giữa hai sự kêu gọi: Sự kêu gọi phổ quát và sự kêu gọi đặc biệt. Sự kêu gọi phổ quát dành cho tất cả mọi người, sự kêu gọi đặc biệt dành cho một số người nào đó. Sự kêu gọi phổ quát để trở nên con cái Đức Chúa Trời, sự kêu gọi đặc biệt để trở nên người phục vụ Chúa.

          Những điều cần biết về sự kêu gọi:

a.     Đấng kêu gọi là Đức Giê-hô-va (c.1): Có hai Danh Xưng rất quan trọng chỉ về Chúa, Đức Chúa Trời:

          - El: Đức Chúa Trời, Đấng Toàn Năng. Đối với dân Y-sơ-ra-ên, Danh xưng “El” mang một ý nghĩa đặc biệt, không giống như cách gọi của các dân tộc khác (Ông Trời).

          Các Tác giả Thánh Kinh cũng thường ghép Danh Xưng “El” chung với một từ ngữ khác để nhấn mạnh một đặc tính nào đó của Chúa:

          - El-Elyon: Đức Chúa Trời Chí Cao (Sáng 14:18)

          - El-Roy: Đức Chúa Trời Hay Đoái Xem (Sáng 16:13)

          - El-Shaddai: Đức Chúa Trời toàn năng (Sáng 17:1)

          - El-Berit : Đức Chúa Trời của Giao ước (Các Quan xét  9:46)

          - YHWH : Đức Giê-hô-va, Chúa: Danh xưng đặc biệt đối với dân Y-sơ-ra-ên, có nghĩa: Đấng Tự Hữu, Hằng Hữu (Xuất 3:13-16).

          Sáng 4:26 cho biết sau khi Sết cũng sanh được một con trai, đặt tên là Ê-nót. Từ đây, người ta bắt đầu cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va”. Hàm ý danh xưng này mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với những người cầu khẩn Danh Chúa.

          Các tác giả Thánh Kinh cũng thường hay  ghép Danh Giê-hô-va với một chữ khác để nhấn mạnh đặc tính nào đó của Chúa:

          - YHWH – Yireh: Đấng chu cấp (Sáng 22:14)

          - YHWH – Rophekha: Đấng Chữa Lành (Xuất 15:26)

          - YHWH – Nissi: ‘Giê-hô-va cờ xí của tôi’ (Xuất 17:15)

          - YHWH – Shammah “Giê-hô-va ở đó”, ở cùng (Êx 48:35)

          Trong sách Giô-suê, tác giả cho thấy những danh xưng của Chúa:

-         Giô 2:11 “Đức Chúa Trời ở trên trời cao kia, và ở dưới đất thấp nầy

-         Giô 3:9  Đức Chúa Trời hằng sống

-         Giô 3:13: “Đức Giê-hô-va, là Chúa cả thế gian

-         Giô 22:22 “Đức Chúa Trời toàn năng

          Sự mạc khải của Chúa dành cho con cái Ngài là đa dạng và không có một khuôn mẫu nhất định nào. Mỗi người đều “gặp” Chúa một cách khác nhau tùy theo kinh nghiệm cá nhân của người ấy với Chúa. Riêng đối với Giô-suê, Danh Giê-hô-va mang một ý nghĩa đặc biệt, gắn liền và tạo ra ý nghĩa với tên của ông (Giô-suê: Đức Giê-hô-va là Đấng Giải Cứu). Như đã nói, rất có thể khi đặt tên này cho Giô-suê, Môi-se đã thấy trong ông hình ảnh của Đấng Cứu Thế, là Đấng đã kêu gọi ông vào chức vụ. Ngài giúp ông chiến thắng quân thù trong quá khứ (Xuất 17:15), ở cùng ông (Dân 14:9). Giô-suê rất tự hào mỗi khi nhắc đến Danh Chúa, ông gọi Chúa là Đức Chúa Trời của ta (9:23,14:8). Lời nói khẳng định của ông trong 24:15 cho thấy đức tin mạnh mẽ của ông nơi Đức Chúa Trời.

          Việc ghép tên Chúa với những Mỹ Đức của Ngài cách khác nhau không hàm ý có nhiều Đức Chúa Trời khác nhau, nhưng là những trải nghiệm khác nhau của nhiều người khác nhau về cùng một Chúa mà thôi.

          b. Thời điểm Chúa kêu gọi: “Bây giờ” (c.2)         

          Việc Chúa nhắc lại cho Giô-suê về cái chết của Môi-se là không thừa, vì nó cho thấy đây là thời điểm thích hợp nhất để ông có thể bắt đầu lại. Môi-se chết, cũng có nghĩa là thế hệ của Môi-se đã qua đi. Lời nguyền ngày xưa đã hết hiệu lực (Dân 14:22-23). Cơ hội đã chín mùi. Điều quan trọng không phải là nuối tiếc dĩ vãng hay mơ mộng về tương lai mà là hãy bắt đầu ngay.

c. Đối tượng Chúa kêu gọi : “Ngươi và cả dân sự ngươi”.

Có sự khác biệt giữa sự kêu gọi của Chúa dành cho Môi-se và Giô-suê. Bốn mươi năm trước Đức Chúa Trời kêu gọi một mình Môi-se dẫn dắt một dân tộc đang nô lệ tại Ai cập (Xuất 3:10). Nhưng bốn mươi năm sau, Chúa kêu gọi Giô-suê và “cả dân sự” ông cùng tham gia vào cuộc chinh phục. 

Nhiều người nhấn mạnh đến chi tiết này và coi đây là yếu thốt then chốt để đi đến thành công trong công tác lãnh đạo của Giô suê. Đức Chúa Trời biết rõ Giô-suê không thể thành công nếu như không được sự ủng hộ của toàn dân, Ngài nhắc ông sự kêu gọi của Ngài không dành cho một cá nhân mà là một tập thể.   

d. Mục tiêu Chúa kêu gọi: “Vào xứ mà ta đã ban cho”.

Suốt gần 40 năm, Đức Chúa Trời luôn nhắc nhỡ Y-sơ-ra-ên về mục đích mà Ngài đem họ ra khỏi Ê díp tô (Xuất 3:7-8, 6:8,23:23; Lê vi 14:34,19:23,23:10,25:2; Dân 15:2,35:10, Phục 6:10, 6:23, 17:14 …). Bây giờ Chúa cũng nhắc lại cho Giô suê (Giô 1:2). Mục tiêu Chúa cứu họ không phải là để họ lang thang trong “đồng vắng” mà là “vào xứ mà Chúa ban cho”. Cũng vậy, Đức Chúa Trời cứu chúng ta không phải để chúng ta ở trần gian này,  nhưng là để thừa hưởng cơ nghiệp đời đời ở trên trời (Gi 17:15, Êph 1:18, I Phi 1:4)

Điều 2. Bắt đầu lại với khải tượng của Chúa (1:3-4)

          Nhiều người định nghĩa “Khải tượng là sự cho thấy trước viễn cảnh tốt đẹp của Đức Chúa Trời dành cho người lãnh đạo”. Mục đích Chúa ban cho khải tượng là để khích lệ người lãnh đạo hướng đến một mục tiêu mà Chúa muốn. Để khích lệ Giô suê, Đức Chúa Trời cho ông thấy trước phạm vi của lãnh thổ mà Ngài ban cho (c.4). Tuy nhiên, Ngài cũng đưa ra điều kiện mà ông phải tuân theo (c.3)

a. Phạm vi khải tượng: “Địa phận các ngươi sẽ lan ra từ đồng vắng và Li-ban nầy cho đến sông cái, là sông Ơ-phơ-rát, tràn cả xứ dân Hê-tít cho đến biển cả về hướng mặt trời lặn”.

Sự lập lại khải tượng Chúa hứa ban cho Y-sơ-ra-ên trong giao ước:

- Với Áp-ra-ham: Sáng 15:18-22 “Ngày đó, Đức Giê-hô-va lập giao ước cùng Áp-ram, mà phán rằng: Ta cho dòng dõi ngươi xứ nầy, từ sông Ê-díp-tôSông này là sông “Nil” ở tại xứ Ê-díp-tô  cho đến sông lớn kia, tức sông Ơ-phơ-rát, 19 là xứ của các dân Kê-nít, Kê-nê-sít, Cát-mô-nít, 20 Hê-tít, Phê-rê-sít, Rê-pha-im, 21 A-mô-nít, Ca-na-an, Ghi-rê-ga-sít và Giê-bu-sít.

- Với Môi-se: Xuất 3:8 “Ta ngự xuống đặng cứu dân nầy khỏi tay người Ê-díp-tô, dẫn từ xứ ấy lên đến một xứ kia đẹp đẽ và rộng rãi, đượm sữa và mật, tức là nơi dân Ca-na-an, dân Hê-tít, dân A-mô-rít, dân Phê-rê-sít, dân Hê-vít, và dân Giê-bu-sít ở

- Với Giô-suê: Giô-suê 1:4 “Địa phận các ngươi sẽ lan ra từ đồng vắng và Li-ban nầy cho đến sông cái, là sông Ơ-phơ-rát, tràn cả xứ dân Hê-tít cho đến biển cả về hướng mặt trời lặn

b. Vị trí của Giô-suê: Sau khi cho thấy khải tượng, Chúa cũng cho Môi-se và Giô-suê biết vị trí của ông trong khải tượng đó:

- Với Môi-se: “vậy bây giờ, hãy lại đây, đặng ta sai ngươi đi đến Pha-ra-ôn, để dắt dân ta, là dân Y-sơ-ra-ên, ra khỏi xứ Ê-díp-tô.

- Với Giô-suê: “bây giờ ngươi và cả dân sự nầy hãy đứng dậy đi qua sông Giô-đanh, đặng vào xứ mà ta ban cho dân Y-sơ-ra-ên

Nhận biết vị trí và nhiệm vụ mình giúp người lãnh đạo biết mình phải làm gì và an tâm khi hoàn thành trách nhiệm. Ở đây, nhiệm vụ của Môi-se là dẫn dắt Y-sơ-ra-ên “ra khỏi Ê díp tô”. Nhiệm vụ của Giô-suê là dẫn dắt dân sự “vào xứ mà ta ban cho”, cả hai đều đã hoàn thành nhiệm vụ mà Chúa giao cho.

Khải tượng Chúa ban là cho chung tất cả mọi người chớ không chỉ dành riêng cho người lãnh đạo. Ở mỗi giai đoạn, nhiệm vụ mỗi người khác mỗi khác. Người thành công là người nhận biết vị trí của mình trong khải tượng và hết lòng để hoàn thành trách nhiệm đó.

c. Điều kiện thi hành khải tượng: Phàm nơi nào bàn chân các ngươi đạp đến, thì ta ban cho các ngươi, y như ta đã phán cùng Môi-se.

Điều Đức Chúa Trời ban cho là dư dật, Ngài không bao giờ thay đổi lời hứa. Nhưng nhận được bao nhiêu là tùy thuộc vào khả năng của chúng ta. Điều này cũng được áp dụng cho con cái Chúa trong những lãnh vực khác:

-         Phước hạnh (Phục 28:- , Ma 3:10)

-         Sự phục vụ (Gi 14:12)

-         Công tác truyền giáo (Công 1:8)

Khi so sánh phạm vi  mà Chúa hứa ban cho dân Y-sơ-ra-ên và thực tế. Các nhà giải nghĩa Kinh Thánh cho rằng chưa bao giờ dân Y-sơ-ra-ên nhận được đúng như điều Chúa hứa. Có hai thời kỳ cho là cực thịnh của Y-sơ-ra-ên dưới sự lãnh đạo của Giô-suê và Đa vít, dân Y-sơ-ra-ên trở nên hùng mạnh và mở rộng biên cương mình về mọi hướng, nhưng chưa bao giờ họ đạt đến như phạm vi Chúa hứa cho. Điều này cho thấy ân điển dư dật của Chúa, nhưng cũng cho thấy khả năng giới hạn của con người.

Điều 3. Bắt đầu lại với lời khích lệ của Chúa (1:5)

          a. Lời hứa: “Trót đời ngươi sống, sẽ chẳng ai chống cự được trước mặt ngươi. Ta sẽ ở cùng ngươi như ta đã ở cùng Môi-se; ta sẽ không lìa ngươi, không bỏ ngươi đâu”.

Đây là lời hứa mà Đức Chúa Trời cũng đã hứa với Y-sác (Sáng 26:3) Gia-cốp (Sáng 28:15), Môi-se (Xuất 3:12).

Có thể nói, đây là điều quí báu nhất mà Chúa dành cho Giô-suê. Không có gì quan trọng đối với một người chiến sĩ cho bằng lời hứa ở cùng của Chúa, và vì Chúa ở cùng, không ai có thể chống cự nỗi với người ấy.

Điều quan trọng đối với Cơ-đốc nhân trong cuộc chiến thuộc linh không phải là chiến đấu thể nào, mà là cùng chiến đấu với ai. Đức Chúa Trời đã hứa với Giô-suê, Ngài cũng hứa với chúng ta ngày nay (Mat 28:19-20).

b. Lời khích lệ: (1:6-7,9)

Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của sự khích lệ. Chúa luôn luôn khích lệ một người khi Ngài giao việc cho họ. Cụm từ “Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ, chớ kinh khủng” được nhắc lại nhiều lần như một điệp khúc từ Đấng Ban Ơn dành cho Giô-suê.

          Không ai không cảm thấy run sợ khi được giao cho trọng trách. Người thành công không bao giờ là người không biết sợ hãi, nhưng là người biết nắm lấy lời hứa của Chúa để bước đi.

Điều 4. Bắt đầu lại với mạng lệnh của Chúa (1:8)

          Đây là câu chìa khóa của cả sách. Cũng là bí quyết cho Giô-suê để dẫn đến thành công trong cuộc chinh phục. Lý do chính khiến cho dân Y-sơ-ra-ên thất bại trước đó là vì vi phạm giao ước đối với Chúa. Bây giờ, để thành công, Giô-suê cần tuyệt đối tuân giữ luật pháp của Chúa. Chẳng những đọc, nhưng còn phải suy gẫm ngày và đêm và cẩn thận làm theo nữa.

B. BẮT ĐẦU LẠI VỚI NGƯỜI (1:10-18)

          Người hầu việc Chúa là người nhận lấy trách nhiệm từ nơi Chúa, nhưng thực hiện trách nhiệm đó với con người. Đối tượng con người không phải chỉ có những người cộng sự với mình, nhưng đôi khi còn có cả những người chống đối với mình. Người thành công là người làm tốt trách nhiệm đối với Chúa nhưng cũng đối với con người.

Điều 5. Bắt đầu lại với công tác lãnh đạo (1:10-11)

          Cách mà Giô-suê thực hiện mạng lệnh Chúa là khác hẳn với Môi-se trước đó và đáng ngạc nhiên. Ông không điều hành công việc một mình (Xuất 18:13-23), nhưng với người khác. Đầu tiên là với những người lãnh đạo gần gũi nhất, kế đến là những người trung gian, và cuối cùng là toàn dân sự. Đây cũng là nguyên tắc mà Phao lô truyền đạt cho nhà lãnh đạo trẻ Ti mô thê (II Ti 2:1).

          Hiểm họa của người hầu việc Chúa là cảm thấy bất an khi phải chia sẻ công việc cho ai đó. Tuy nhiên đây không phải là điều Chúa muốn. Đức Chúa Trời muốn con dân Ngài luôn sống vì người khác và chia sẻ công việc với người khác thay vì chỉ làm một mình mình. Đây cũng là bí quyết để thành công trong công việc.

Điều 6: Bắt đầu lại với sự truyền thông (1:11)

          Điều kế tiếp Chúa muốn Giô-suê phải thực hiện là công tác truyền thông, tức là truyền đạt mạng lệnh Chúa cho dân sự. Nội dung mà Giô-suê truyền đạt cho dân Y-sơ-ra-ên là rõ ràng và cụ thể:

-         Công việc: “Hãy sắm sẵn vật thực

-         Thời gian: “Trong ba ngày nữa

-         Nhiệm vụ: “Các ngươi sẽ đi ngang qua sông Giô-đanh nầy,

-         Mục tiêu: “đặng đánh lấy xứ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi ban cho mình làm sản nghiệp

Điều 7: Bắt đầu lại với một kế hoạch hẳn hoi (1:11)

          Chẳng những phải có sự truyền thông cụ thể và rõ ràng, Giô-suê còn qua đó đưa ra một kế hoạch hẳn hoi:

Điều 8: Bắt đầu lại với sự động viên người khác (1:12-14)

Điều 9: Hướng đến một giá trị chung (1:15)

Khi một người hầu việc Chúa hướng đến giá trị của bản thân, người ấy sẽ chỉ làm những gì đem đến nguồn lợi cho mình. Nhưng khi hướng đến một giá trị chung cho Chúa và cho anh em mình, người ấy sẽ sẵn sàng dấn thân cho dù phải hy sinh quyền lợi của bản thân.

Điều 10: Bắt đầu lại với thẩm quyền thuộc linh (1:16-18)

                  

                              

1 nhận xét:

  1. Cám ơn ông mục sư về bài học ý nghĩa. trong cuộc đời mỗi cơ đốc nhân đều có những chặn đường cần phải dừng lại để nhìn lại quá khứ, nhìn vào tương lai để có thể tiếp tục bước đi trong hiện tại. Chúa luôn ban cho chúng ta cơ hội để có thể start over again, có thể có new beginning, hay second chance. Ngài ban thêm sức, thêm ơn để chúng ta có thể "bắt đầu lại". Cầu xin Chúa ban phước cho ông bà mục sư trong cuộc sống cũng như trong chức vụ.

    Trả lờiXóa