Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

NHỮNG CON CHỒN NHỎ


BÀI 5

NHỮNG CON CHỒN NHỎ

Giô-suê 7:1-8:25

Chúng ta thường có khuynh hướng xem thường những điều nhỏ nhặt, nhưng đôi khi những điều nhỏ nhặt lại gây ra những thiệt hại lớn.

Một lổ thủng nhỏ có thể làm đắm cả con thuyền lớn. Một tội lỗi nhỏ có thể phá hoại cả một gia đình lớn (Công 5:1-11, I Sa 13:8-9).

Tác giả Nhã Ca ví sánh những tội lỗi nhỏ có thể phá hoại sự tốt đẹp của Hội Thánh giống như “những con chồn nhỏ” phá hại vườn nho:

Hãy bắt cho chúng tôi những con chồn,
Những con chồn nhỏ phá hại vườn nho;
Vì vườn nho chúng tôi đương trổ bông
  (Nhã ca 2:15)

Cần phải bắt những con chồn nhỏ, vì nếu không nó sẽ phá hoại cả vườn nho.

Điều này rất đúng với câu chuyện dân Y-sơ-ra-ên trong cuộc chiến thành A-hi.

Sau khi phá hủy thành Giê-ri-cô, địa điểm kế tiếp mà dân Y-sơ-ra-ên cần đánh chiếm là thành nhỏ A-hi. Nhìn vào dóc dáng nhỏ bé của thành, họ tưởng sẽ chiến thắng cách dễ dàng, nhưng Y-sơ-ra-ên đã thất bại một cách sĩ nhục. Trên dưới ba ngàn tinh binh Y-sơ-ra-ên bị đánh bại và chạy dài trước một số ít kẻ thù. Lòng dân sự “tan ra như nước”, tướng lãnh thì đau buồn xé áo, sấp mặt xuống đất và vải bụi đất lên đầu…Nguyên do dẫn đến thất bại, có thể nói, cũng nhỏ như thành nhỏ A-hi: Tội ăn cắp của một người. A-can, một binh lính trong quân đội Y-sơ-ra-ên, khi đánh chiếm Giê-ri-cô, đã ăn cắp một “vật đáng diệt” và giấu dưới trại mình để làm của riêng.

*** Một tội lỗi nhỏ của một người, nhưng có thể đưa đến sự thất bại lớn cho cả đất nước. Đức Chúa Trời thành tín giữ lời giao ước, ban đất hứa cho Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, Ngài cũng sẽ  phó mặc họ cho kẻ thù nếu như họ bội nghịch lại giao ước Ngài. Đây là lẽ thật không phải chỉ riêng trong câu chuyện thành A-hi, mà còn là ý tưởng xuyên suốt cả Kinh Thánh.

Câu chuyện đánh chiếm thành A-hi, như đã nói trong bài 5, là phần diễn biến tiếp theo của câu chuyện chiến thắng thành Giê-ri-cô. Tình tiết xảy ra trong câu chuyện khiến cho người đọc cảm thấy bất ngờ. Tác giả muốn cho thấy một kẻ thù khác của Y-sơ-ra-ên là thành A-hi. Không giống như thành lớn Giê ri cô, A-hi nhỏ hơn, nhưng tinh ranh hơn, nguy hiểm hơn rất nhiều. Câu chuyện cũng nhằm dạy dỗ cho Cơ-đốc nhân ngày nay về một kẻ thù trong cuộc chiến thuộc linh: Tội lỗi. Ma quỉ tuy mạnh sức, nhưng đã bị khuất phục bởi quyền năng Chúa, tội lỗi tuy nhỏ, nhưng rất nguy hiểm vì rất khó để đắc thắng. Nếu dân Y-sơ-ra-ên cần phải có thái độ dứt khoát loại trừ tội lỗi A-can thể nào, ngày nay con cái Đức Chúa Trời cần phải loại bỏ khỏi đời sống mình mọi hình thức tội lỗi cũng thể ấy.

I. CẤU TRÚC

          1.   A-can phạm tội (6:1).

2.   Thất bại trước A-hi (6:2-5)

3.     Ăn năn và giải quyết tội lỗi (6:6-26)

4.     Chiến thắng A-hi (7:1-29)

5.     Hưởng phước, tái lập giao ước (7:30-35)

Về hình thức văn học, có thể thấy câu chuyện chinh phục thành A-hi trình bày một cấu trúc
tương tự như các câu chuyện kể trong sách Các Quan xét[1] :

***Nếu như tại Giê-ri-cô, chìa khóa của sự đắc thắng là tin cậy và vâng lời, thì tại A-hi, tác giả cho thấy chìa khóa của sự đắc thắng là thái độ xét mình, ăn năn, dứt khoát với tội lỗi cho dù lớn hay nhỏ. Câu chuyện tại A-hi giới thiệu một lẽ thật của Thánh Kinh: Đức Chúa Trời là công bình, Ngài không kể kẻ có tội là vô tội, tuy nhiên Ngài cũng là Đấng Yêu thương, sẵn lòng tha thứ cho những ai biết hết lòng ăn năn tội lỗi mình (I Gi 1:9, II Sử 7:14, Thi 51:17).

Giê-ri-cô:   Tin Cậy + Vâng Lời = Đắc Thắng

A-hi :                   Xét mình + Ăn năn   = Đắc Thắng

II. THẤT BẠI TẠI A-HI:

1. Nhận Diện Kẻ Thù (7:1-3):

          Có ba chữ “A” đáng nhớ: A-hi, A-can và A-cô.

a. Kẻ thù mang tên “A-hi”:

Tên A-hi có nghĩa là “đống đổ nát”. Theo Thánh Kinh Tân tự điển, A-hi là một thành nhỏ thuộc vùng đồi núi phía đông Bê-tên, nơi Áp-ra-ham đã lập một bàn thờ cho Chúa sau khi nhận được lời hứa của Ngài về việc ban đất cho dòng dõi ông (Sáng 12:6-8). Rất có thể trước khi Giô-suê chinh phục đất hứa, A-hi là một thành lớn nhưng đã đổ nát, và từ đống đổ nát ấy, dân A-hi dựng lại một đồn lũy nhỏ, sơ xài, chỉ với một số ít binh lính đồn trú. Điều này giải thích lý do tại sao khi được sai đi do thám A-hi, những người do thám trở về báo cáo cùng Giô-suê rằng “Lấy làm vô ích đem cả dân sự đi lên đó; nhưng hãy cho chừng vài ba ngàn người đi lên đó mà đánh thành A-hi. Chớ làm cho mệt nhọc cả dân chúng đi đó; vì người A-hi ít quá” (7:3).

Hình ảnh “đống đổ nát” A-hi khiến chúng ta nhớ đến vai trò của ma quỉ và những mưu mô của nó trong cuộc chiến thuộc linh. Ma quỉ vốn là thiên sứ sáng láng của Đức Chúa Trời nhưng vì cớ lên mình kiêu ngạo, bị hình phạt và trở thành quỉ sứ (Êx 28:13-14, Ês 14:12-14, II Phi 2:4). Cũng giống như thành A-hi xây dựng từ một đống đổ nát, ma quỉ đã bị Chúa kết án cho hình phạt đời đời, nhưng trong thời gian chờ đợi để đến kỳ hình phạt, ma quỉ vẫn còn hoạt động để chống lại con dân Chúa qua cách cám dỗ họ phạm tội (Khải 20:7-10). Thành A hi đầy những cạm bẩy giăng ra, khiến cho một đạo quân tinh nhuệ Y-sơ-ra-ên phải chạy dài, cũng vậy cách mà ma quỉ thường dùng để cám dỗ con cái Chúa là những bẫy dò của nó. Và một trong những bẫy dò của ma quỉ là ngụy trang tội lỗi dưới những hình thức những điều nhỏ nhặt không đáng kể (Sáng 3:1-5, Mat 4:1-4).

Tại A-hi, Giô-suê và Y-sơ-ra-ên đã mắc sai lầm khi chủ quan, không cẩn thận cầu hỏi Chúa để rồi dẫn đến sự thất bại đau buồn.

b. Kẻ thù mang tên “A-can”

          A-can là “con trai của Cạt-mi, cháu của Xáp-đi, chắt của Xê-rách về chi phái Giu-đa”. Tên A-can có nghĩa là “kẻ gây rắc rối”, “kẻ làm cho đau khổ” (troubler). Có thể đây chỉ là tên mà dân Y-sơ-ra-ên đặt cho ông sau khi phạm tội. Trong lúc chiếm Giê-ri-cô, A-can lấy cắp “vật đáng diệt” và đem giấu cho riêng mình. Trong lời thú tội sau đó, ông cho biết gồm có “một cái áo choàng Si-nê-a Si-nê-a là tên của đồng bằng Ba-by-lôn

tốt đẹp, hai trăm siếc-lơ bạc, và một nén vàng nặng năm mươi siếc-lơ” (7:21). Điều A-can làm là vi phạm mạng lệnh của Chúa trước khi đánh chiếm Giê-ri-cô (6:17-18).

          Thông thường trong các cuộc chiến tranh, kẻ thắng được quyền chiếm lấy “của cướp” (Phục 20:14, Ês 9:2). Tuy nhiên đây là trường hợp đặc biệt, vì tất cả mọi vật trong thành đều đã dâng cho Thần mặt trăng[2]. Chúa truyền cho họ tận diệt tất cả mọi vật ngoại trừ gia đình của Ra-háp (6:17). Việc A-can ăn cắp cái áo choàng, bạc và vàng, không chỉ mang ý nghĩa của việc đánh cắp một của cướp bình thường, mà là một hành động xúc phạm đến Chúa vì “vật đáng diệt” đó là của dâng cho tà thần.

          2. Thất bại và đau buồn (7:4-9)

          Câu chuyện tiếp theo cho thấy sự thất bại của đạo quân của Giô-suê. “Vậy, có chừng ba ngàn người đi lên đó; nhưng họ chạy trốn trước mặt người A-hi. 5 Người A-hi giết chừng ba mươi sáu người, rượt theo họ từ cửa thành cho đến Sê-ba-rim, và đánh họ lúc đi xuống dốc”.

          Ba mươi sáu người chết trong cuộc chiến bại. Con số không phải là lớn lắm, nhưng điều đáng nói ở đây là sự thiệt hại về mặt tinh thần của Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên. Cuộc chiến bại làm tan mọi nhuệ khí của họ. Tất cả Y-sơ-ra-ên đều suy sụp tinh thần. “Lòng dân sự bèn tan ra như nước. Giô-suê bèn xé áo mình, rồi người và các trưởng lão Y-sơ-ra-ên sấp mặt xuống đất trước hòm của Đức Giê-hô-va cho đến chiều tối, và vải bụi đất trên đầu mình.  Lần đầu tiên người ta chứng kiến Giô-suê thốt lên một lời tiêu cực: “Ôi! Chớ chi chúng tôi chọn phần ở lại bên kia sông Giô-đanh. Than ôi! Hỡi Chúa! Sau khi Y-sơ-ra-ên đã xây lưng trước mặt kẻ thù nghịch mình, tôi còn nói làm sao?”.

Sự thất bại tại A-hi làm cho Giô-suê liên tưởng đến một tương lai ảm đạm đang chờ phía trước. Điều gì sẽ xảy ra nếu như một lần nữa lịch sử được lặp lại ? Điều gì sẽ xảy ra nếu Y-sơ-ra-ên lại thất bại trước kẻ thù mình ?

3. Giải pháp của Chúa (7:10-15)

          Câu chuyện tiếp theo nói lên sự can thiệp của Chúa vào cuộc thánh chiến. Một lần nữa, Chúa lại giang tay ra giải cứu dân sự. Nhưng lần này Ngài giải cứu bằng cách khác:

a.     Chúa khích lệ: “Hãy đứng dậy, sao người sắp mặt xuống đất như vậy ? Không ai có thể tránh khỏi việc thất bại, nhưng điều quan trọng khi thất bại là quyết định đứng dậy.”

b.     Chúa giải thích: Y-sơ-ra-ên có phạm tộiBởi cớ đó, dân Y-sơ-ra-ên không thế chống cự nổi trước mặt kẻ thù nghịch mình.”

c.     Chúa khẳng định: Nếu các ngươi không cất khỏi giữa mình vật đáng diệt ấy, thì ta không còn ở cùng các ngươi nữa

d.     Chúa truyền lệnh: Hãy đứng dậy làm cho dân sự nên thánh, sáng mai các ngươi sẽ đi đến gần từng chi pháiNgười nào bị chỉ ra là kẻ có của đáng diệt đó, sẽ bị thiêu nơi lửa.

Đức Chúa Trời là Đấng chậm giận, đầy ơn và giàu lòng thương xót. Ngài không chấp nhận tội lỗi, nhưng luôn khích lệ con cái Ngài xét mình để ăn năn hầu được thương xót.

4. Sự đáp ứng của Giô-suê - Trủng A-cô (7:16-26)

          Một lần nữa, tác giả cho thấy sự tin cậy và vâng lời của Giô-suê. Cuộc tìm kiếm và giải quyết vấn đề tội lỗi được thực hiện một cách dứt khoát: Vậy, Giô-suê dậy sớm, biểu Y-sơ-ra-ên đến gần từng chi phái; và chi phái Giu-đa bị chỉ ra. 17 Đoạn, người biểu các họ hàng Giu-đa đến gần; và họ hàng Xê-rách bị chỉ ra. Đoạn, người biểu họ hàng Xê-rách lại gần từng gia trưởng; và Xáp-đi bị chỉ ra. 18 Người biểu nhà Xáp-đi đến gần từng người; thì A-can, con trai của Cạt-mi, cháu của Xáp-đi, chắt của Xê-rách về chi phái Giu-đa, bị chỉ ra”.

          Người kể chuyện không giải thích phương cách mà Giô-suê dùng để xác định thủ phạm. Từng chi phái, từng gia tộc rồi gia đình được “chỉ ra”. Các nhà giải nghĩa thì cho rằng cách mà họ làm là nhờ vào sự mạc khải của Chúa qua việc gieo hai hòn đá U-rim và Thu-nim (Xuất 28:30). Dân Y-sơ-ra-ên vẫn thuờng làm điều này mỗi khi muốn tìm biết ý muốn Chúa. Đức Chúa Trời vẫn ở cùng dân Ngài để hướng dẫn họ qua hòn đá thánh. Ngày nay U-rim và Thu-nim chính lời Chúa và Thánh Linh Ngài. Thánh Linh trong lòng con cái Chúa có thể giúp họ biết làm thể nào để nhận biết tội lỗi mình (Gi 16:8-9).

          Cuối cùng thủ phạm chính cũng được xác định: A-can. Tội lỗi được giải quyết cách rốt ráo. Dân Y-sơ-ra-ên ném đá A-can. Chẳng những một mình A-can mà là tất cả những ai đồng lỏa với ông, tất cả đều bị ném đá (7:25). Y-sơ-ra-ên đặt tên chổ này là A-cô, có nghĩa là “trủng khuấy rối”.

III. CHIẾN THẮNG THÀNH A-HI (8:1-29)

          Thất bại là mẹ thành công. Mẹ đau đớn sanh con thể nào thì người thất bại cũng phải “chấp nhận thương đau” để được thành công cũng thể ấy. Biến cố tại trủng A-cô là một sự đau đớn, giống như một cơn đau quặn thắt của người mẹ thất bại. Không ai không đau lòng khi thấy cả dân sự Y-sơ-ra-ên dùng từng cục đá ném vào những người thân của mình cho đến chết. Nhưng đó là sự đau đớn cần thiết để giúp cho Y-sơ-ra-ên nhận biết nguyên tắc bất di dịch của Đức Chúa Trời: “Đức Giê-hô-va vốn chậm nóng giận và đầy ơn; hay xá điều gian ác và tội lỗi; nhưng không kể kẻ có tội là vô tội” (Xuất 34:7, Dân 14:18).  Xử lý tội lỗi luôn là điều đau buồn, nhưng cương quyết xử lý tội lỗi giúp nhiều người khác nhận ra ý muốn Chúa hầu làm theo là điều cần thiết.

1. Mạng lệnh đứng lên sau thất bại (8:1-3)

          Nhận biết sự đau buồn của Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên, một lần nữa Đức Chúa Trời lại khích lệ họ. “Ngươi chớ sợ, chớ ái ngại. Hãy đem theo mình hết thảy quân lính, chỗi dậy đi lên hãm đánh thành A-hi. Kìa, ta đã phó vào tay ngươi vua A-hi, dân sự, thành, và xứ của người”. Lời hứa “ta đã phó A-hi” làm một động cơ thúc đẩy Giô-suê một lần nữa tiếp tục đứng lên chiến đấu.

2. Chiến trận A-hi - Kế “Điệu hổ ly sơn” (8:4-29).

          Đối với những người thợ săn, việc giết được cọp dữ khi nó còn trong nơi trú ẩn trên núi cao là vô cùng khó khăn. Cách hay hơn hết là dụ nó ra khỏi nơi trú ẩn ấy và vây bắt. Ở ngoài nơi ẩn náu, cọp dữ cách mấy cũng dể dàng chịu khuất phục.

          Điều thú vị và ngạc nhiên là từ thời xa xưa, Giô-suê đã biết áp dụng chiến thuật “Điệu hổ ly sơn”. Giô-suê phân chia đạo quân Y-sơ-ra-ên thành hai đội, chính ông thống lãnh đạo binh tiên phong. Đội thứ hai mai phục ở một nơi thuận lợi. Chiến thuật được sắp đặt như sau: Giô-suê sẽ khiêu chiến và đánh trận cùng kẻ thù, sau đó giả vờ thua chạy để dụ họ đuổi theo. Khi đến nơi mai phục, Giô suê ra hiệu lịnh phản công. Tất cả các đạo quân đã được sắp đặt trước cùng xông ra, số còn lại thì đốt thành. Từ xa khi thấy khói thành bay lên, quân A-hi nao núng và mất tinh thần nên bị đánh bại. Tất cả đều bị giết, Vua A-hi cũng bị bắt và giết chết.

          So với chiến trận tại Giê-ri-cô, chiến trận tại A-hi có nhiều điểm khác nhau, nhận diện những điểm khác nhau giúp tìm ra những bài học thuộc linh:

NỘI DUNG
TRẬN GIÊ-RI-CÔ
TRẬN A-HI
Sức mạnh kẻ thù
Nhờ vào thành lũy kiên cố nhưng không có sự chuẩn bị.
Thành lũy đơn sơ nhưng đầy cạm bẩy.
Sức mạnh Y-sơ-ra-ên
Chiến đấu bằng sức mạnh thuộc linh của sự vâng phục.
Chiến đấu bằng sức mạnh của các binh sĩ và sự khôn ngoan.
Mạng lệnh
Giết không chừa, ngoại trừ gia đình Ra-háp. Đốt hết của cải, những gì bằng vàng, bạc … dùng làm của lễ biệt riêng ra thánh cho Chúa
Giết hết không chừa, nhưng được hưởng những của cải và súc vật.
Bí quyết thắng hơn
Tin cậy vâng lời
Ăn năn và giải quyết tội lỗi

 

          Như đã nói trong phần I của Bài 5,  cuộc chiến tại Giê-ri-cô và A-hi là sự minh họa cho hai kẻ thù trong cuộc chiến thuộc linh của Hội thánh ngày nay. Giê-ri-cô là minh họa cho quyền lực của ma quỉ. Ma quỉ tuy mạnh mẽ nhưng đã bị Chúa khuất phục, bí quyết của sự thắng hơn là sự tin cậy và vâng lời. A-hi minh họa cho sự nguy hiểm của tội lỗi. Tội lỗi xuất hiện dưới những hình thức xem dường như nhỏ nhặt không đáng kể (giống như những con chồn nhỏ trong vườn nho) nhưng hết sức nguy hiểm. Người ỷ lại vào sức mạnh của mình dể dàng sa vào bẩy dò của nó, nhưng người chiến thắng là người khôn ngoan biết cách tránh xa nó. Dân Y-sơ-ra-ên dụ quân thành A-hi ra khỏi chổ nó, đố phá thành để không còn chổ trú ẩn cho nó thể nào, ngày nay con cái Chúa phải “làm chết tất cả mọi chi thể” của nó trong đời sống mình (Côl 3:5).

III. LẬP BÀN THỜ TRÊN NÚI Ê-BANH, SỰ TÁI LẬP GIAO ƯỚC (8:30-35)

          Sau chiến thắng tại A-hi, Giô-suê truyền lập một bàn thờ trên núi Ê-banh, thực hiện mạng lệnh mà Môi-se đã truyền dạy trước đó (Phục 11:29). Ê-banh là ngọn núi nằm gần một ngọn núi khác là Ga-ri-xim trong trủng Si-chem. Đây là hai ngọn núi mang hai ý nghĩa trong giao ước với Chúa: Lời chúc lành và lời chúc dữ (rủa sả). Ga-ri-xim là ngọn núi của lời chúc lành và Ê-banh là ngọn núi của lời chúc dữ. Lời chúc lành dành cho người vâng giữ giao ước Chúa và lời chúc dữ dành cho người từ bỏ nó. Giô suê khắc bảng luật pháp của Chúa tại Ê-banh và đọc cho dân sự nghe cả hai lời chúc để nhắc cho Y-sơ-ra-ên về sự lựa chọn của mình. Y-sơ-ra-ên tự do để lựa chọn, hoặc làm theo lời Chúa để được phước hay phạm tội để bị rủa sả. Bài học từ A-can trong chiến trận tại thành A-hi là một minh chứng mạnh mẽ: “Đức Giê-hô-va vốn chậm nóng giận và đầy ơn; hay xá điều gian ác và tội lỗi; nhưng không kể kẻ có tội là vô tội” (Xuất 34:7, Dân 14:18).

          Ai cũng có quyền lựa chọn cho mình một lối sống. Cũng giống như dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa, bạn có thể lên núi Ga ri xim bằng việc sống một đời sống thánh khiết để được phước. Hoặc lên núi Ê-banh, bằng việc sống đời sống tội lỗi để rồi nhận lấy hình phạt cho mình và cả gia đình mình.



[1] Có thể tham khảo trong loạt bài học “Tìm Hiểu Sách Các Quan Xét”.
[2] Xem chú thích trong phần II Bài 5

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét