Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

RA-HÁP, CÂU CHUYỆN VỀ NHỮNG SỢI DÂY


RA-HÁP

CÂU CHUYỆN VỀ NHỮNG SỢI DÂY

Kinh Thánh Giô suê 2:1-24, 6:22-25

Dẫn nhập:

Ai sinh ra đời cũng bị ràng buộc bởi một “sợi dây” nào đó.

          Khi còn trong bụng mẹ, chúng ta sống nhờ vào sợi dây nhau của mẹ. Khi sinh ra đời, ít nhiều chúng ta lại bị “vương vấn” bởi những sợi dây khác: Sợi dây yêu đương, sợi dây huyết thống, sợi dây gia đình, sợi dây tội lỗi… (Sáng 38:18, I Cor 7:27; Hê 12:1).

          Thánh Kinh đề cập đến nhiều sợi dây khác nhau:

-         Có sợi dây muốn dứt bỏ mà không biết làm sao (Rô 9:3).

-         Có sợi dây phải buộc chặt vào (Xuất 28:22,28; Rô 12:7, Êph 4:3).

          Sau khi nhận được lời kêu gọi của Chúa cũng như những dặn dò của Ngài, Giô-suê chuẩn bị cho việc chinh phục đất hứa của mình. Để nắm rõ tình hình của kẻ thù, ông mật sai hai thám tử đi vào xứ để dò la hầu báo cáo lại. Hai thám tử vâng lệnh ra đi…

          Một điều khiến cho nhiều người cảm thấy ngạc nhiên đó là khi đi vào xứ, hai thám tử vào nhà của một kỵ nữ (2:1). Sự hiện diện của họ trong nhà kỵ nữ không qua khỏi cặp mắt nghi ngờ của Vua G iê-ri-cô, nên ông sai người đi đến nơi hầu để đuổi họ ra khỏi xứ. Với một đức tin nơi Chúa, Ra-háp đã làm một việc vô cùng can đảm, đó là giấu các thám tử trên mái nhà để rồi sau đó giải cứu họ bằng cách dòng họ qua cửa sổ để trốn thoát bằng một sợi dây …

          ***Xét về cấu trúc văn học, câu chuyện kể hé mở cho người đọc sự bắt đầu của những tình tiết mâu thuẩn trong lối văn kể chuyện. Có thể thấy sự khéo léo của tác giả khi đặt câu chuyện Ra-háp ngay trước cuộc chiến chinh của Y-sơ-ra-ên. Câu chuyện ví như một giai điệu nhẹ nhàng lãng mạn bên cạnh những giai điệu mạnh mẽ hùng tráng trong một bản giao hưởng. Hay như một làn gió nhẹ mơn man thoảng qua trước khi những cơn giông bão dữ dội ập đến. Nó làm cho người đọc cảm thấy vừa khoan khoái vừa hồi hộp náo nức muốn nghe tiếp cho đến hết.  

***Xét về ý tưởng thần học, câu chuyện Ra-háp là một trong những thiên tình ca tuyệt vời của ân điển Chúa. Vẫn với chủ đề chung: “Đức Chúa Trời là Đấng Thành Tín giữ lời giao ước ban đất hứa cho dân Y-sơ-ra-ên. Ngài thực hiện lời hứa bằng cách giúp đỡ họ chinh phục đất hứa”. Tuy nhiên, câu chuyện tiếp tục cho thấy lời hứa không phải chỉ dành cho dân tuyển, mà còn dành cho tất cả những ai có đức tin nơi Gia-vê. Người ngoại bang vẫn có thể được cứu nếu như hết lòng tìm kiếm Chúa và tin cậy Ngài. Đây cũng là chủ đề xuyên suốt của Kinh Thánh đặc biệt là các sách Phúc âm. 

Câu chuyện về việc Chúa cứu Ra-háp có liên quan đến một hình ảnh thú vị, đó là hình ảnh của những “sợi dây”:

1.     Sợi dây tội lỗi (2:1-3)

2.     Sợi dây đức tin (2:4-16)

3.     Sợi dây cứu rỗi (2:17-24, 6:22-25)

4.     Sợi dây ái tình (Mat 1:5)

          Học về Ra-háp và những sợi dây ràng buộc bà để thấy được thể nào ân điển Chúa dành cho tội nhân để biết ơn Chúa và tận hiến đời sống mình cho Ngài.  

I. SỢI DÂY TỘI LỖI (2:1-3)

          Tội lỗi nói chung, là sự vi phạm luật thánh của Chúa. Thánh Kinh cho biết tất cả những ai sanh trong dòng dõi A đam đều thuộc về dòng giống tội lỗi (Rô 3:23, 5:12). Tội lỗi, trong một ý nghĩa nào đó, giống như một sợi dây trói buộc con người, khiến họ “không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn” (Rô 7:19).

          Ở đây, dầu Kinh Thánh không nói đến cách rõ ràng, nhưng nhìn vào đời sống của Ra-háp, dường như có một sợi dây vô hình ràng buộc bà với một số phận: Sinh ra trong tội lỗi, lớn lên trong tội lỗi, hành động trong tội lỗi.

          1. Sanh ra trong tội lỗi

1.1            Tên Ra-háp: Chữ “Ra-háp” có hai ý nghĩa trong tiếng Hê bơ rơ: “Ra-háp” (Rahab), có nghĩa là “kiêu ngạo”, tên của một “nữ yêu quái”(thủy quái), một nữ thần thuộc thời đại hổn mang (chaos: Sáng 1:2). Rahap có liên hệ gần với một con thủy quái khác là Lê-vi-a-than, một vị thần đề cập đến trong sách Gióp. Ra-háp được cho là tác nhân của nhũng sóng gió, bão tố trên biển cả. Trong thi ca Ai cập, hình ảnh thần Rahab có liên quan đến hình ảnh con rồng, và cũng là hình ảnh biểu tượng của Pha-ra-ôn (đối chiếu Ex 29:3).Trong sự miêu tả của Gióp, chỉ Đức Chúa Trời là Đấng có quyền năng để đập tan, chặn đứng nó (Gióp 9:13, 26:12, 38:11).

-         “Ra-háp” (R’hb) có chung nguồn gốc với một từ Heb. khác có nghĩa là “rộng lớn” “vĩ đại”.

          Thật thú vị nếu như nối kết hai ý nghĩa này lại với nhau để ví sánh đời sống Ra-háp trước và sau khi đến với Chúa. Trước khi gặp Chúa, Ra-háp giống như một con “thủy quái” luôn gây ra những đổ vỡ cho những gia đình khác vì đời sống tội lỗi mình. Nhưng sau khi gặp Chúa, Đức Chúa Trời đã can thiệp và biến đổi bà từ một tội nhân trở nên một gương mẫu đức tin cho nhiều người.

          1.2 Thân thế Ra-háp: Tác giả không đề cập đến dân tộc của Ra-háp, chỉ nói bà là một người nữ ngoại bang, nhà bà ở trên vách thành Giê-ri-cô (2:15).

          Nhìn vào bản đồ có thể thấy rõ Giê ri cô là một thành phố thuộc lãnh thổ của dân A- mô-rít, một trong những dân tộc Ca-na-an bản địa. Thành Giê-ri-cô là một thành phố lớn nằm ngay cửa ngõ của xứ Ca-na-an, cách sông Giô-đanh khoảng 2 km. Ở trong vị trí này Giê-ri-cô thường xuyên có những người thuộc các sắc dân khác qua lại cả người tốt lẫn kẻ xấu. Để bảo đảm trước sự đột nhập của kẻ thù, thành được xây thành hai lớp tường dày có thể cất nhà trên đó và cách nhau từ 3,5 – 4,5 mét bởi một cái hố sâu. Ai muốn vào đến bên trong thành phải vượt qua tường thành bên ngoài, kế đến là khoảng hố sâu rồi đến tường thành bên trong.

          Có lẽ “nhà” của Ra-háp, hay nơi bà “hành nghề” là thuộc về vách thành phía ngoài, nơi sự canh gát có phần thiếu nghiêm nhặt hơn, nên các thám tử có thể dể dàng tiếp xúc, và là nơi bà có thể dùng dây dòng hai thám tử xuống từ cửa sổ để thoát thân[1].

          2. Bị ràng buộc bởi tội lỗi

          Thánh Kinh không ngần ngại ghi rõ nghề nghiệp đặc biệt của Ra-háp trước khi gặp Chúa là “kỵ nữ” (Giô 2:1, Hêb 11:31, Gia 2:25). Đây là một loại “nghề nghiệp” mà Đức Chúa Trời nghiêm cấm trong Y-sơ-ra-ên (Lê 19:29, 21:7,9,14). Người làm kỵ nữ thường là những người xấu và bị lên án, coi thường (Các 11:1-2, Châm 29:3, 30:20). Thánh Kinh cũng ghi chép lại vài trường hợp những người dân Y-sơ-ra-ên có quan hệ tình dục với kỵ nữ và gây ra những hậu quả nghiêm trọng (Sáng 38:15-24, Các 16:1).

          Không ai muốn lựa chọn cho mình một cuộc đời bạc bẽo để bị người khác khinh chê, nhưng đôi khi “định mệnh trớ trêu” lại ràng buộc họ vào một số phận mà họ không muốn. Thánh Kinh không ghi chép lý do tại sao Ra-háp lại làm một kỵ nữ, nhưng Thánh Kinh cho biết trước khi gặp các thám tử, bà đã  một người như vậy. Thánh Kinh cũng không tả vẽ nổi lòng của bà như thế nào, nhưng rõ ràng những gì bà làm chứng minh rằng bà đang nổ lực để thoát khỏi sự ràng buộc đó …

          3. Hành động tội lỗi

          Để làm rõ thêm tình trạng tệ hại của Ra-háp, tác giả tiếp tục kể việc nói dối của bà “Nhưng người đàn bà đem giấu hai người nầy, rồi đáp rằng: Quả thật họ đã tới nhà tôi, nhưng chẳng biết ở đâu đến. 5 Song vào buổi tối cửa thành hầu đóng, hai người ấy đi ra, tôi không biết đi đâu; hãy mau đuổi theo, vì các ngươi theo kịp được”(Giô 2:2-5)

Một tác giả đã rất tinh tế khi diễn tả lại cuộc đối thoại của Ra-háp và những người lính Giê-ri-cô sau khi bà giấu các thám tử trên mái nhà, nói lên phần nào thực trạng đau buồn nhưng cũng rất đáng thuơng của bà trong một vỡ kịch:

-         Lính: Ngươi có thấy hai người đàn ông vào nhà này không ?

-         Ra-háp: Thưa ông, ngày nào cũng có nhiều người đàn ông vào ra nhà này.

-         Lính: Ta muốn nói đến hai tên vừa vào nhà ngươi tối nay, có bộ dạng giống như những tên khốn.

-         Ra-háp: Tất cả những tên khốn vào đây đều có bộ dạng giống nhau, thưa ngài.

-         Lính: Có người báo rằng có hai tên vào nhà ngươi tối nay, họ đến để do thám đất nước của chúng ta.

-         Ra-háp: Quả thật đã có hai người nam vào nhà tôi tối nay, nhưng tôi không biết họ từ đâu đến và đi đâu, vả lại, có bao giờ tôi tra hỏi nguyên quán của một người khi mà người ấy chỉ đến đây một lát rồi đi ngay…

Không phải vô tình mà tác giả đề cập đến câu chuyện về Ra-háp trong cuộc thánh chiến của dân Y-sơ-ra-ên. Ra-háp là một trong bốn người nữ ngoại bang có tên trong gia phả của Chúa Giê-xu (Mat 1:1-18). Và là một trong hàng ngàn người ngoại bang khác vốn sanh ra ngoại quyền công dân Y-sơ-ra-ên, không có lời hứa của Đức Chúa Trời nhưng được cứu bởi ân điển (Êph 2:8-12). Nhiều người cảm thấy thắc mắc tại sao Chúa lại cho phép Kinh Thánh ghi chép lại hành động nói dối của Ra-háp, nhưng rõ ràng câu chuyện được kể để chứng minh về tình yêu của Đức Chúa Trời khỏa lấp tội lỗi cho những ai có lòng tìm kiếm Ngài.

Sự hiện diện của Kỵ nữ Ra-háp ngay khi bắt đầu cuộc thánh chiến cho thấy sự yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho tội nhân. Phải chăng đây là cách mà Chúa nhắc nhỡ cho Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên biết rằng, trong cơ nghiệp mà Chúa dành cho họ, cũng có một phần của những dân tộc ngoại bang. Cơ nghiệp mà Chúa ban cho không chỉ dành riêng cho người Do Thái, mà có cả dân ngoại bang nữa, miễn họ có lòng tìm kiếm Chúa và tin cậy Ngài. Ân điển Chúa thật kỳ diệu thay !

II. SỢI DÂY ĐỨC TIN (2:4-16)

Tác giả Hê bơ rơ 11:1 định nghĩa “Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy”. Nói cách khác, đức tin đến bởi việc một người nhận biết những gì Chúa làm thông qua thiên nhiên vũ trụ hay qua tuyển dân Ngài. Đức tin thật không chỉ dừng lại ở chổ nhận biết, nó giúp cho người tin cậy chứng tỏ đức tin mình qua việc tìm kiếm Chúa và dám trả giá cho điều mình làm. Đức tin là toàn bộ những gì một người có thể làm để thể hiện tình yêu đối với Chúa.

Tiếp tục, bằng lối văn kể chuyện, tác giả đưa ra hai hình ảnh rất thú vị đó là hình ảnh của hai sợi dây. Một là sợi dây Ra-háp dùng để dòng các thám tử xuống đất, hai là sợi dây màu đỏ điều mà các thám tử trao cho bà. Về một phương diện, có thể ví đức tin của Ra-háp giống như sợi dây mà bà dùng để dòng các thám tử xuống đất để giải cứu họ, và về một phương diện khác, sợi dây màu đỏ điều mà các thám tử trao cho bà giống như sợi dây cứu rỗi của Chúa trao cho bà.

Trong phần luận giải về đức tin, tác giả Gia cơ đã khen ngợi Ra-háp như là tổ phụ của đức tin, ngang hàng với Áp-ra-ham (Gia 2:21-25). Gia-cơ nhìn thấy điểm chung giữa Áp-ra-ham và Ra-háp chính là hành động đức tin. Hay nói cách khác, những gì họ làm đối với Chúa và đối với người khác chứng tỏ rằng họ tin Chúa và dám trả giá cho đức tin mình.

1.     Nguồn gốc của đức tin: Tấm lòng

Người kể chuyện tiếp tục cho thấy đức tin tuyệt vời của Ra-háp khi bà “trèo lên mái nhà” gặp các thám tử. Sợi dây đức tin của bà được nối kết bởi những mắc xích nối liền lại với nhau, bắt đầu từ sự nhận biết Chúa từ trong tấm lòng và kết thúc bằng hành động bày tỏ bên ngoài:

-         Nhận biết Chúa là Chân thần duy nhất: “Tôi biết Đức Giê-hô-va”. Danh Giê-hô-va là danh xưng đặc biệt của dân Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên bà gọi Chúa là Giê-hô-va, điều này nói lên sự nhận biết Chúa của bà. Chẳng những thế bà còn nhận biết Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ông là Đức Chúa Trời ở trên trời cao kia, và ở dưới đất thấp nầy”.

-         Nhận biết chương trình của Chúa Tôi biết rằng Đức Giê-hô-va đã ban cho các ông xứ nầy

-         Nhận biết quyền năng của Chúa: Vì chúng tôi có hay khi các ông ra khỏi xứ Ê-díp-tô, thì Đức Giê-hô-va đã khiến nước Biển Đỏ bày khô trước mặt các ông, và điều các ông đã làm cho Si-hôn và Óc, hai vua dân A-mô-rít, ở bên kia sông Giô-đanh, mà các ông đã diệt đi

-         Nhận biết thực trạng của mình: “Chúng tôi có hay điều đó, lòng bèn tan ra, chẳng ai trong chúng tôi còn can đảm trước mặt các ông nữa

2.     Bày tỏ đức tin: Hành động

-         Tiếp rước các thám tử: Đồng một thể ấy, kỵ nữ Ra-háp tiếp rước các sứ giả và khiến họ noi đường khác mà đi” (Gia cơ 2:25)

-         Kêu xin sự giải cứu: Vậy bây giờ, vì tôi đã làm nhân cho hai ông, thì hai ông cũng phải làm nhân lại cho nhà cha tôi; hãy chỉ Đức Giê-hô-va mà thề cùng tôi, và cho một dấu quả quyết 13 rằng các ông sẽ để cha mẹ, anh em, chị em tôi, và hết thảy người bà con của họ đều còn sống, cùng cứu chúng tôi khỏi chết.

-         Yêu thương đùm bọc gia đình mình: Có lẽ điều khiến người ta cảm động nhất chính là tấm lòng yêu thương của bà đối với gia đình mình. Thế gian tội lỗi thường khiến cho con người mất hết lương tri, nhưng người có đức tin thật luôn thương yêu quí trọng gia đình mình. 

-         Gìn giữ giao ước: Câu chuyện được tiếp nối bằng việc hai thám tử kết ước với Ra-háp bằng việc trao cho bà sợi dây đỏ điều. Ra-háp đã làm theo lời cam kết của mình để giải cứu gia đình mình (6:22-25)

Câu chuyện dân Y-sơ-ra-ên chinh phục đất hứa không đờn thuần là câu chuyện chinh chiến của một dân tộc. Điều Thánh Kinh ghi chép cho chúng ta nhận biết thể nào ý muốn Đức Chúa Trời khi muốn con dân Ngài phải chinh phục thế giới tội lỗi này cho Ngài (Sáng 1:28). Khi con cái Đức Chúa Trời làm tốt trách nhiệm mình, điều này sẽ giúp cho tội nhân nhận biết Chúa và chạy đến với Ngài. Điều Ra-háp bày tỏ các thám tử như một sự minh chứng. Sự đắc thắng của con cái Đức Chúa Trời mở ra cơ hội cho tội nhân ăn năn và được cứu.

III. SỢI DÂY CỨU RỖI

          Nhiều người thường thắc mắc: Điều gì khiến một người trở nên con cái Đức Chúa Trời ? Bởi Đức Chúa Trời quyết định lựa chọn, hay bởi sự tìm kiếm Chúa của người ấy ? Nhóm có tính cách mạnh mẽ thì đề cao những nổ lực tìm kiếm Chúa của con người. Nhưng nhóm có tính cách ngược lại thì cho rằng điều này là hoàn toàn bởi ân điển Chúa, con người chỉ thừa hưởng điều Chúa đã làm cho mình mà thôi[2].

          Nhìn vào trường hợp của Ra-háp, nhiều người cũng đặt ra một câu hỏi tương tự. Việc Ra-háp được lựa chọn và được cứu là bởi nổ lực tìm kiếm Chúa của bà hay hoàn toàn chỉ bởi ân điển Chúa mà thôi ?

Một lần nữa, lối văn kể chuyện nhắc nhỡ chúng ta rằng tác giả không nhằm chứng minh một giáo lý thần học nào thông qua câu chuyện này, người kể chuyện chỉ muốn thuật lại câu chuyện lạ lùng của Ra háp. Đức Chúa Trời tể trị và dẫn dắt cách lạ lùng khi cho phép các thám tử đến nhà của Ra-háp, để tại đó đức tin của bà được thể hiện một cách tuyệt vời. Giống như một cây được trồng gần dòng nước, sanh bông trái theo thì tiết (Thi 1:3), đức tin của Ra-háp được đâm chồi, nẩy nở và lớn lên theo từng tình tiết của câu chuyện.

Mặt khác, câu chuyện cứu rỗi  Ra-háp giống như một sợi dây với những mắc xích nối tiếp nhau gồm những nút thắt thuộc về Đức Chúa Trời và của Ra háp, tạo thành một sợi dây thắt chặt bà lại với Chúa. Đây cũng là hình ảnh sợi dây màu đỏ điều mà các thám tử trao cho bà trong câu chuyện.

1. Những “nút thắt” của Chúa:

          a. Sự tể trị của Chúa trên dòng lịch sử: Đức Chúa Trời tể trị trên dòng lịch sử nhân loại, trong đó có dân Y-sơ-ra-ên. Không phải ngẩu nhiên mà Chúa cho phép đúng thời điểm dân Y-sơ-ra-ên chinh phục đất hứa. Tất cả đều diễn ra trong chương trình của Chúa để hoàn thành lời hứa của Ngài.

          b. Sự tể trị của Chúa đối với các thám tử: Đức Chúa Trời tể trị trên những bước chân của các thám tử để họ gặp được Ra-háp và đem đến sự giải cứu cho chính họ cũng như gia đình bà.

          c. Sự tể trị của Chúa đối với Ra-háp: Đức Chúa Trời lựa chọn, sắp đặt tất cả trên đời sống của Ra-háp kể cả những hoàn cảnh của bà. Mục đích để bày tỏ tình yêu Ngài dành cho bà. Đức Chúa Trời cho phép Ra-háp gặp gỡ với các thám tử để bà có dịp bày tỏ đức tin mình.

2. Sự đáp ứng của Ra-háp

          a. Đáp ứng bằng sự sẵn lòng: Có thể cho rằng việc Đức Chúa Trời hoàn tất chương trình của Ngài cho mọi người, ai cũng có thể nhận lấy phước hạnh cho mình nếu như tin cậy Ngài. Giống như mưa móc từ trời là ban cho mọi người. Tuy nhiên để nhận lấy điều Chúa ban cho, người nhận phải biết rộng mở tấm lòng mình. Ra-háp giống như một cái bình trống không sẵn sàng để chứa đựng những ơn phước Chúa. Bà đã chứng tỏ sự sẵn lòng của mình bằng việc giấu các thám tử trên mái nhà và sau đó lại trèo lên để gặp gỡ sứ giả của Chúa.

          c. Đáp ứng bằng sự chấp nhận: Hành động của Ra-háp giấu các thám tử là hành động liều lĩnh. Nếu thất bại bà có thể trả giá bằng chính mạng sống mình. Tuy nhiên Ra-háp chấp nhận điều này vì bà biết đây là cơ hội để bà bày tỏ lòng tin cậy Chúa của mình.

IV. SỢI DÂY ÁI TÌNH

          Câu chuyện về Ra-háp sẽ kém phần hấp dẫn nếu không đề cập đến một “sợi dây” khác ràng buộc bà với dân sự của Chúa. Việc bà kết hôn với một người tên là Sanh môn và sinh ra Bô-ô, tổ phụ của Vua Đa vít.

          Thánh Kinh không cung cấp nhiều chi tiết về Sanh môn, người đã kết hôn với Ra-háp và sau đó sinh ra Bô-ô. Chỉ biết ông là một người thuộc chi phái Giu đa, con của Na ách son (Mat 1:5, Lu 3:32).

Tuy nhiên dựa vào chi tiết nhỏ này, có một giả thuyết được đưa ra: Phải chăng Sanh môn chính là một trong hai thám tử đã ghé nhà Ra-háp như trong câu chuyện kể ? Phải chăng vì lần hội ngộ ngắn ngủi đã làm nảy sinh một tình yêu để cuối cùng họ đến với nhau trong sự ràng buộc của hôn nhân ? Thực hư thể nào không ai biết được. Tuy nhiên có một điều chắc chắn, đó là Ra-háp đã trở thành một phần tử của Y-sơ-ra-ên, và hơn nữa, từ nơi bà đã sanh ra một dòng dõi để từ đó Chúa  Giê-xu đã sanh ra để cứu rỗi nhân loại.

Sau khi Ra-háp và gia đình mình dọn về ở chung với cộng đồng dân Y-sơ-ra-ên (Giô 6:23), Thánh Kinh không đề cập gì đến bà mãi cho đến hơn 1000 năm sau. Tên Ra-háp một lần nữa xuất hiện trong gia phả của Chúa Giê-xu bên cạnh một cái tên khác là Sanh môn với phần ghi chép lạ lùng “Sanh-môn bởi Ra-háp sanh Bô-ô. Bô-ô bởi Ru-tơ sanh Ô-bết. Ô-bết sanh Gie-sê; 6 Gie-sê sanh vua Đa-vít” (Mat 1:5-6). 1000 năm trôi qua đủ để quên đi tất cả mọi sự. Nhưng Đức Chúa Trời không bao giờ quên. 1000 năm để Đức Chúa Trời làm thành lời hứa của Ngài dành cho Y-sơ-ra-ên mà trong đó có tên của một người nữ đặc biệt: Ra-háp.

Tiếp theo sau đó là phần vinh danh của Gia cơ khi kể bà vào hàng tổ phụ của đức tin, đồng với Áp-ra-ham. Trong một thư tín gởi cho con dân Chúa, Gia cơ đã trưng dẫn gương đức tin của Ra-háp (Gia 2:25). Ông gọi đây là một đức tin hành động. Ra-háp là một kiểu mẫu cho tất cả mọi người về loại đức tin chứng tỏ hành động. Một người có thể làm điều gì đó mà không tin, nhưng không ai có thể tin mà không làm làm điều gì đó cho Đấng mình tin. Bạn có tin Chúa và chứng tỏ cho mọi người niềm tin của mình bằng hành động tận hiến cuộc đời mình cho Ngài ?



[1] Nhiều người thắc mắc: Làm sao mà những thám tử lại có thể vào nhà một kỵ nữ ? Điều này có vi phạm nguyên tắc đạo đức của Chúa hay không ? Ngày nay Đức Chúa Trời có cho phép con cái Chúa giao du với những kỵ nữ vì một công vụ nào đó không ? Thật ra ở đây, trong văn kể chuyện tác giả chỉ thuật lại sự kiện xảy ra mà không nhằm đưa ra một giáo lý thần học nào. Có thể xem sự kiện này như một tình huống đạo đức mà Đức Chúa Trời cho phép xảy ra, và Ngài có thẩm quyền để xét đoán.
[2] Có hai quan điểm Thần học nổi bật về vấn đề “tiền định” trong sự cứu rỗi: Quan điểm của nhóm Calvin thì cho rằng con người là hư hoại, không có khả năng đáp ứng với Đức Chúa Trời, sự cứu rỗi hoàn toàn do Chúa lựa chọn và kêu gọi, ân điển như một sự ban cho không thể cưỡng lại được, thiên đàng dành cho một số người nào đó Chúa lựa chọn và ngược lại… Nhóm Arminius thì dạy rằng Đức Chúa Trời hoàn thành chương trình cứu rỗi và mời gọi mọi người đến để nhận lấy không phân biệt một ai. Sự cứu rỗi có được do nổ lực tìm kiếm Chúa của con người. Bất cứ ai hết lòng tìm kiếm Chúa thì sẽ nhận được. Do đó, con cái Chúa cần nổ lực để trình bày ân điển Chúa cho mọi người thông qua sự truyền giảng Tin lành …

1 nhận xét: