Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

SỰ PHÂN CHIA ĐẤT, BÀI HỌC VỀ PHƯỚC HẠNH


BÀI 8

Sự Phân Chia Đất

Bài Học Về Phước Hạnh

Giô suê 13:1-19:51

Dẫn nhập:

            . Sứ đồ Phao lô bởi sự mạc khải của Thánh Linh đã bày tỏ cho chúng ta những điều lạ lùng trong ơn phước Chúa:

            Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời, 4 trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời, 5 bởi sự thương yêu của Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên con nuôi của Ngài bởi Đức Chúa Jêsus Christ, theo ý tốt của Ngài, 6 để khen ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài đã ban cho chúng ta cách nhưng không trong Con yêu dấu của Ngài!... Ấy cũng là trong Ngài mà chúng ta đã nên kẻ dự phần kế nghiệp, như đã định trước cho chúng ta được điều đó, theo mạng của Đấng làm mọi sự hiệp với ý quyết đoán…” (Êph 1:3-6,11-12)

            . Trong “kho” của Chúa có đầy đủ các thứ ơn phước dành cho con cái Ngài. Tất cả đều quí báu, nhưng không phải tất cả đều giống nhau. Có những thứ thấy được, nhưng cũng có những thứ không thấy được. Có những thứ có thể đo lường, nhưng cũng có thứ không thể đo lường. Đức Chúa Trời sẵn lòng ban cho tất cả, nhưng chỉ có những người biết quí trọng và hết lòng tìm kiếm thì mới nhận được.

            . Nhận biết sự giàu có trong ân điển Chúa là điều rất quan trọng, vì nó giúp Cơ-đốc nhân khát khao tìm kiếm cho đến khi nhận được. Đây cũng là lý do tại sao Phao lô đã cầu nguyện cho Hội Thánh tại Ê phê sô:

            Tôi cầu Đức Chúa Trời của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, là Cha vinh hiển, ban thần trí của sự khôn sáng và của sự tỏ ra cho anh em, để nhận biết Ngài, 18 lại soi sáng con mắt của lòng anh em, hầu cho biết điều trông cậy về sự kêu gọi của Ngài là thể nào, sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển Ngài cho các thánh đồ là làm sao” (Êph 1:17-18)

            Câu chuyện phân chia Đất cho dân Y-sơ-ra-ên sau khi đắc thắng là một minh họa cho lẽ thật này.

. Sau khi đánh bại ba mươi mốt vua và tạm bình định được cả xứ, tác giả tiếp tục câu chuyện bằng việc thuật lại sự phân chia đất. Đây là phần cao trào của sách theo lối văn kể chuyện. Câu chuyện cho thấy sự ứng nghiệm lời hứa của Chúa về việc ban đất cho Y-sơ-ra-ên.

Thế thì, Đức Giê-hô-va ban cho Y-sơ-ra-ên cả xứ mà Ngài đã thề ban cho tổ phụ họ. Dân Y-sơ-ra-ên nhận làm sản nghiệp, và ở tại đó. 44 Đức Giê-hô-va làm cho tứ phía đều được an nghỉ, y như Ngài đã thề cùng tổ phụ họ, chẳng có một kẻ thù nghịch nào còn đứng nổi trước mặt họ. Đức Giê-hô-va phó hết thảy kẻ thù nghịch vào tay họ. 45 Trong các lời lành mà Đức Giê-hô-va đã phán cho nhà Y-sơ-ra-ên, chẳng có một lời nào là không thành: thảy đều ứng nghiệm hết. (Giô 21:43-45)

*** Một lần nữa lẽ thật về Đức Chúa Trời là Đấng Thành tín ban đất hứa cho Y-sơ-ra-ên được nhắc lại. Đối với Giô-suê và Y-sơ-ra-ên, qua bao nhiêu vất vả, cuối cùng họ đã giành được thắng lợi. Bây giờ họ có quyền hưởng phước mà Chúa ban cho. Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy, trên cơ bản, ai cũng nhận được phần của mình, nhưng không phải ai cũng nhận được giống nhau. Có những chi phái vì đã nhận rồi trước đó nên không được nhận nữa. Có chi phái thì đã có nhưng muốn xin điều tốt hơn nên được ban cho. Có chi phái thì sau khi nhận được thì tiếp tục chiến đấu cho đến khi hoàn toàn làm  chủ. Có những chi phái sau khi nhận được, không tiếp tục chinh phục nên không hưởng phước lâu dài. Có chi phái khi nhận được thì thỏa lòng về phần mình, nhưng cũng có những chi phái, vì không thỏa lòng nên cứ lần lữa không muốn nhận.

            . Bài học về sự phân chia đất hứa cũng là bài học thuộc linh quí báu cho Cơ-đốc nhân ngày nay. Trên một cơ bản nào đó, ai theo Chúa thì cũng ít nhiều nhận được phước hạnh. Tuy nhiên không phải ai cũng nhận được như nhau. Có người sau khi được cứu thì tiếp tục tấn tới trong ân điển nên kinh nghiệm sự giàu có thuộc linh. Nhưng có người nhận được nhưng không biết quản lý nên trở nên nghèo ngặt… Nhận ít hay nhiều tùy thuộc vào đức tin của chúng ta và cách mà chúng ta tiếp tục vâng phục Chúa trong chính những phước hạnh của mình.

I. Tìm Hiểu Cấu Trúc

            Nhìn chung, cấu trúc trong câu chuyện này được phân chia rõ ràng:

I.                   Sự phân chia phần đất phía Đông sông Giô-đanh (13:1-33)

II.                Sự phân chia phần đất phía Tây sông Giô-đanh (14:1-19:51)

a.       Phần của chi phái Giu đa (14:1-15:63)

                                                                          i.      Phần của nhà Ca lép (14:1-15)

                                                                        ii.      Phần của nhà Giu đa (15:1-63)

b.      Phần của con cháu Giô sép (16:1-17:18)

                                                                          i.      Phần của chi phái Ếp ra im (16:1-10)

                                                                        ii.      Phần của phân nửa còn lại của chi phái Ma na se (17:1-18)

c.       Phần của chi phái Bên gia min (18:1-28)

d.      Phần của sáu chi phái còn lại (19:1-51)

. Tất cả mọi chi phái có tham gia trong cuộc chiến đều được nhận phần của mình, ngoại trừ hai chi phái rưỡi đã nhận phần bên kia sông bởi Môi-se và chi phái Lê vi.

. Mỗi chi phái đều cơ bản nhận được phần đất đai thuộc về mình, phân định bởi ranh giới từ những người đo đạt trên bản đồ. Họ cũng nhận được những thành phố chiếm được từ kẻ thù. Số lượng thành là nhiều ít tùy theo chi phái. Trách nhiệm do đó mà cũng được chia đều, sau khi được phân chia, họ phải quản lý và tiếp tục chinh phục những phẩn còn lại trong địa phận mình. Phải phá đổ tất cả mọi thần tượng gian ác.  Phải tiêu diệt mọi kẻ thù còn ẩn nấp trong xứ. Phải lợi dụng ưu thế mình có để tiếp tục cuộc chinh phục cho đến hoàn tất thì mới có thể hưởng phước lâu dài. Bên cạnh đó, họ cũng còn có trách nhiệm chinh phục những địa phận bên ngoài phần đất của mình, là phần mà Chúa chỉ định sau khi Giô-suê không còn lãnh đạo họ (13:1-7).

. Phương cách phân chia đất cũng được nhắc đến. Chúa truyền cho Y-sơ-ra-ên tổ chức việc “bắt thăm” chia đất. Về một phương diện nào đó, bắt thăm là một hình thức may rủi. Bắt thăm để thi hành sự bình đẳng giữa những người tham gia. Tuy nhiên, đối với Y-sơ-ra-ên bắt thăm còn là sự thể hiện ý muốn Chúa, họ tin rằng Đức Chúa Trời tể trị trên lá thăm của người bắt được (Châm 18:18, Giô na 1:7). Bên cạnh đó, tác giả cũng thuật lại những trường hợp ngoại lệ: Ngoài những phần mà mình được hưởng, Ca lép và hậu tự ông đã xin được ban cho thêm núi Hếp rôn, là ngọn núi nơi có kẻ thù A na kim vẫn còn ẩn nấp. Chia thêm cho chi phái Lê vi những thành và vùng đất bên ngoài thành để họ chăn nuôi bầy chiên mình. Chia cho Giô-suê và gia đình ông cái thành trong địa phận của chi phái Ép ra im …

                                                           BẢNG SO SÁNH

KT
ĐƠN VỊ NHẬN
PHẦN ĐƯỢC NHẬN
SAU KHI NHẬN
13:8-32
Người Ru-bên, người Gát, và 1/2 chi phái Ma-na-se
Đã nhận không được nhận thêm
không đuổi được
13:14,33
Chi phái Lê-vi
Đức Giê-hô-va
Tiếp tục phục vụ Chúa
14:6-15
Nhà Ca-lép
Núi Hếp-rôn
Tiếp tục chinh phục
15:1-63
Chi phái Giu-đa
Đất đai và thành phố
không đuổi được
16:1-10
Chi phái Ép ra im
Đất đai và thành phố
không đuổi được
17:1-18
1/2 Chi phái Ma-na-se
Đất đai và thành phố
Không thỏa lòng, xin thêm
18:1-27
Chi phái Bên-gia-min
Đất đai và thành phố
Lần lữa không chịu nhận
19:1-48
Sáu chi phái còn lại
Đất đai và thành phố
Lần lữa không chịu nhận
19:48-51
Nhà Giô-suê
     Thành Thim-nát-Sê-rách
Tiếp tục xây dựng

 

II. Mạng Lệnh Của Chúa Về Sự Phân Chia Đất Hứa (13:1-7)

. “Giô-suê đã già tuổi cao”, một sự chuyển mạch cho thấy câu chuyện sắp bước sang một giai đoạn lịch sử khác. Có lẽ lúc này Giô suê đã tám, chín mươi tuổi. Ông “hoàn thành cách xuất sắc” trách nhiệm Chúa giao khi dẫn dân Y-sơ-ra-ên “vào xứ” Ca-na-an (1:2). Chúa bày tỏ cho Giô-suê về những phần đất còn lại mà Y-sơ-ra-ên cần phải chinh phục. Đây là phần mà Chúa hứa ban ngày từ đầu chiến dịch. Đức Chúa Trời hứa chính Ngài sẽ chịu trách nhiệm phần còn lại (c.6b). Tuy nhiên, về phần Giô-suê đến đây là đã xong điều Chúa muốn. Đức Chúa Trời muốn thưởng ngay cho những người chiến thắng phần đất mà họ chiếm được. Đây là phần thưởng “nóng” mà Chúa dành cho những người tin cậy và vâng lời Ngài. 

. Nhiều Cơ-đốc nhân ngày nay thường hay hiểu lầm rằng mình sẽ được nhận sự sống đời đời sau khi “lên Thiên đàng”. Thật ra Đức Chúa Trời đã ban cho sự sống đời đời cho chúng ta ngay khi còn trên đất. Người theo Chúa nhận được một phần phước thiên đàng ngay khi còn trên đất chớ không đợi đến khi qua đời mới nhận được. Tuy nhiên, nhận được nhiều hay ít tùy thuộc vào sự tin cậy và vâng phục Chúa của mình.

III. Sự Phân Chia Phần Đất Phía Đông – Đã Hưởng Rồi, Không Cho Thêm (13:8-33)

1.      Phần Của Chi phái Ru bên, Gát và Phân Nửa Chi Phái Ma na se (c.8-32)

            . Việc “người Ru-bên, người Gát, và phân nửa chi phái Ma-na-se đã lãnh bởi Môi-se phần sản nghiệp mình ở bên kia sông Giô-đanh về phía đông” nên không được chia thêm được lập lại nhiều lần trong sách (12:6, 13:8, 18:7, 22:1) cho thấy sự nhắc lại và nhấn mạnh của tác giả. Số là trước đó, khi tham gia chinh phục đất hứa dưới sự lãnh đạo của Môi-se, chi phái Ru bên và chi phái Gát, cùng với chi phái Ma na se, là hai chi phái giàu có vì “bầy súc vật rất nhiều”, “thấy xứ Gia-ê-xe và xứ Ga-la-át là đất tiện hiệp nuôi bầy súc vật” nên xin với Môi-se “Nếu chúng tôi được ơn trước mặt ông, chớ chi ban xứ nầy cho kẻ tôi tớ ông làm sản nghiệp, xin đừng biểu chúng tôi đi ngang qua sông Giô-đanh”. Mặc dầu Môi-se rất không bằng lòng, nhưng vì họ cố nài nỉ và hứa hẹn nhiều điều nên cuối cùng Môi-se đành chìu lòng mà ban phần đất bên kia sông cho họ (Xem Dân 32:1-41).

            . Dầu người kể chuyện không bộc lộ một cảm xúc nào khi nhắc lại câu chuyện lịch sử này. Nhưng rõ ràng cách nhắc đi nhắc lại cho thấy ý của tác giả. Những gì mà người Ru bên, Gát và phân nửa chi phái Ma na se đã làm khi còn bên kia sông Giô-đanh là điều không nên làm chút nào. Viện lý do đông người, nhu cầu nhiều hơn, thích hợp hơn để giành lấy phần tốt cho mình đang khi chưa hoàn tất cuộc chiến là điều ích kỷ. Ai cũng ước ao để được đất, ai cũng có nhu cầu chớ không phải riêng mình. Khi giành lấy phần đất bên kia sông, những chi phái ấy không nghĩ đến quyền lợi kẻ khác mà chỉ nghĩ đến quyền lợi của chính mình. Cho nên, vì tự giành lấy phần tốt cho mình bên này sông, họ sẽ không nhận được phần tốt hơn bên kia sông.

            . Đây là một bài học quí giá cho Cơ-đốc nhân ngày nay. Nhiều người thường đòi hỏi quyền lợi cho riêng mình mà không nghỉ đến quyền lợi người khác. Đây là tinh thần ngược lại với đạo đức Cơ đốc (I Cor 10:24, Phi 2:4). Chúa Giê-xu quở trách người Pha ri si tìm kiếm sự khen ngợi từ con người, khi được khen ngợi, họ “đã nhận được phần thưởng của mình rồi” (Mat 6:2,5,16). Ai cũng ước ao được phước. Nhưng ai đã nhận được điều tốt nơi trần gian sẽ không nhận được điều tốt hơn trên thiên đàng.

2.      Chi phái Lê vi (c.33)

            . Khi thuật lại câu chuyện của người Ru bên, Gát và Ma na se, người kể chuyện cũng thuật lại câu chuyện về chi phái Lê vi. Câu “Song Môi-se không phát phần sản nghiệp cho chi phái Lê-vi, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên là sản nghiệp của chi phái ấy” được nhắc lại nhiều lần trong sách. Như một sự nhắc nhỡ cần thiết trước tiên cho chi phái Lê vi. Phần của chi phái Lê vi là Chúa. Người Lê vi phục vụ trong đền tạm và ăn những sản vật trong đó. Người Lê vi không được tham muốn điều người khá có. Nếu như họ hết lòng phục vụ Chúa, họ sẽ được no đủ, hoặc ngược lại. Đây cũng là sự nhắc nhỡ cần thiết cho mười hai chi phái còn lại[1] về trách nhiệm của họ đối với chi phái Lê vi. Các chi phái khác có trách nhiệm chu cấp nhu cầu cho chi phái Lê vi để họ có thể yên tâm trong sự phục vụ Chúa.

            . Có thể nói, việc chi phái Lê vi được biệt riêng ra cho Chúa và không được chia phần sản nghiệp là một hình mẫu đặc biệt chỉ có trong dân Y-sơ-ra-ên. Đây cũng là hình mẫu về Hội Thánh Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời biệt riêng những người phục vụ trong nhà Ngài, Chúa muốn họ phải hết lòng làm trọn trách nhiệm mình để đem phước hạnh đến cho người khác. Ngược lại Chúa cũng muốn những người thừa hưởng ơn phước Chúa phải có trách nhiệm đối với người hầu việc Chúa (Hê 13:7,17).

IV. Sự Phân Chia Phần Đất Phía Tây – Các Thứ Phước Lành (14:1-19:51)

A. Phần Của Chi Phái Giu-đa (14:1-15:63)

            1. “Hội đồng” phân chia sản nghiệp (c.1-5): Đứng đầu danh sách những người chịu trách nhiệm phân chia sản nghiệp là thầy tế lễ Ê-lê-a-sa, kế đến là Giô-suê, con trai Nun, và các trưởng lão của những chi phái dân Y-sơ-ra-ên. Ê-lê-a-sa là con trai thứ ba của A-rôn, người được chỉ định thay thế A-rôn sau cái chết của hai anh mình là Na đáp và A bi hu (Lê 10:1-2). Sự có mặt và vai trò chủ chốt của Ê-lê-a-sa cho thấy tầm quan trọng của người lãnh đạo thuộc linh trong công việc phân chia.

2. Phần Của Nhà Ca-lép (14:1-15)

. Ca lép, con trai Giê-phu-nê, vốn là người Kê-nít, nhưng thuộc về chi phái Giu đa. Nguyên là bạn đồng hành với Giô-suê khi đi do thám xứ. Ông vẫn sống đến khi hoàn toàn chinh phục đất hứa như một đặc ân Chúa dành cho người tin cậy Ngài. Ca lép là nhà lãnh đạo tài ba và đầy kiêu hãnh của Y-sơ-ra-ên. Người kể chuyện cho thấy sự chủ động lên tiếng xin được nhận phần núi Hô-rếp của ông. Ca lép nhắc lại lời hứa của Môi-se dành cho ông cũng như sự trung thành theo Chúa suốt bao nhiêu năm tháng. Đầy tự tin và mạnh mẽ, Ca lép xin được nhận lấy phần khó khăn mà Y-sơ-ra-ên chưa làm được, tiếp tục đánh đuổi dân tộc A na kim, vốn là dân tộc đã khiến cho Y-sơ-ra-ên phải chùng bước trước đó (Phục 1:28). Hoàn toàn có thể nhận được phần đất giàu có trù phú hơn, nhưng Ca lép xin được phần đất mà ông gọi là “núi này”, tức nơi có thành Hếp rôn, một vùng đất cao hơn mặt biển 927 mét, thuộc miền Nam Ca-na-an. Hếp rôn là một sự thách thức mà ông tình nguyện tiếp tục chinh phục cho đến khi hoàn tất.

. Nhiều người ngạc nhiên tại sao Ca lép lại xin được phần gian khổ về cho mình. Đây chính là điều khác biệt:

-          Ca lép muốn cho mọi người thấy đức tin và lòng can đảm của mình. Nói cách khác, Ca lép trong con mắt đức tin, muốn vươn tới một thứ phước hạnh lớn hơn “trên núi”.

-           Hếp rôn là Đất Thánh, phần đất thuộc quyền sở hữu của Áp-ra-ham, nơi Áp-ra-ham đã mua từ dân Hê tít với giá 400 siếc lơ bạc (Sáng 23:15). Nơi có hài cốt của Sa ra, Áp-ra-ham, Y sác, Rê be ca, Gia-cốp và Lê a (Sáng 49:31, 50:13).[2]

. Có thể có nhiều chi phái khác ham thích một nơi có nhiều hoa lợi, nhưng Ca lép ham thích một vùng núi, nơi vẫn còn nhiều khó khăn đang chờ đón. Hơn ai hết, bởi đức tin Ca lép thấy giá trị của điều mình cầu xin, là điều vượt trên giá trị của vật chất, đó là sự hiện diện của Chúa trên vùng đất của ông cha mình. Hếp rôn là giá trị thuộc linh mà Ca lép muốn có.

. Nhiều người thường đeo đuổi những giá trị của phước hạnh do vật chất mang đến. Nhưng con cái Chúa thật luôn quí trọng những giá trị thuộc linh, là điều không bao giờ đánh mất. Ca lép khao khát, và ông đã được ban cho. Nhà Ca lép nhận lấy và tiếp tục chinh phục cho đến khi hoàn toàn thuộc về mình. Cả xứ thuộc về Ca lép được bình tịnh, không còn giặc giã” cho đến lâu dài.   

3.      Phần Của Chi Phái Giu đa (15:1-63)

. Phần của chi phái Giu đa bắt thăm được thuộc về miền Nam Ca-na-an. Có vẻ đây phần thịnh vượng và  giàu có nhất so với các phần còn lại.

. Ranh giới bao gồm: “Giới hạn phía nam chạy từ đầu Biển Mặn, 5 Giới hạn về hướng đông là từ Biển Mặn cho đến vàm sông Giô-đanh. Giới hạn phía bắc chạy từ phía biển nơi vàm sông Giô-đanh. Còn giới hạn phía tây, ấy là biển lớn. Đó là giới hạn về bốn phía của người Giu-đa, tùy theo những họ hàng của chúng.

. Phần của chi phái Giu đa gồm có 11 khu vực, mỗi khu vực đều có nhiều thành phố. Điều đáng buồn là dầu nhận được một nơi trung tâm, sở hữu thành thánh Giê-ru-sa-lem, nhưng người Giu đa sau đó vẫn không đánh đuổi được hết dân Giê bu sít ở tại Giê-ru-sa-lem ra khỏi xứ.

4.      Phần Của Con Cháu Giô sép (16:1-17:18)

a.       Chi phái Ép ra im (16:1-10)

. Ép ra im và Ma na se là hai con trai của Giô sép sanh bởi người vợ Ai cập Ách nát. Ép ra im là con thứ, nhưng được bắt thăm chia đất trước đàn anh Ma na se. Có lẽ do Giô-suê là người Ép ra im (Dân 13:8). Khi đặt tay phải chúc phước cho Ép ra im (Sáng 48:13), Gia-cốp cũng đã thấy trước tầm quan trọng và ảnh hưởng của chi phái này trong công tác chinh phục đất hứa. Không thể bàn cãi, Giô-suê là người có công rất lớn trong việc giúp Y-sơ-ra-ên chinh phục đất hứa.  Trải suốt nhiều năm, từ khi Y-sơ-ra-ên còn ở Ai cập cho đến khi chinh phục đất hứa và về sau. Chi phái Ép ra im luôn được toàn Y-sơ-ra-ên nể vì do vị thế của mình. Trong cuộc chiến chống với quân Ma đi an, Ghê đê ôn đã bị chi phái Ép ra im trách móc vì tại sao không cho họ tham gia. Ghê đê ôn đã trả lời, và trong câu trả lời cho thấy uy thế của Ép ra im trong Y-sơ-ra-ên (Các 8:2). Khi dân Y-sơ-ra-ên bị chia cắt thành hai nước Bắc và Nam, chính chi phái Ép ra im đã đứng ra lãnh đạo mười nước miền Bắc chống lại miền Nam (Ês 7:2,5,9,17).

. Người Ép ra im bắt thăm được phần đất miền Trung, ngay trung tâm xứ Ca-na-an, giáp với phần đất của phân nữa chi phái Ma na se. “Giới hạn của sản nghiệp họ ở về phía đông, từ A-tê-rốt-A-đa cho đến Bết-Hô-rôn trên, 6 thẳng qua tây tại hướng bắc của Mít-mê-thát; rồi vòng qua đông về lối Tha-a-nát-Si-lô, và qua khỏi đó đến Gia-nô-ách theo phía đông; 7 kế chạy từ Gia-nô-ách xuống A-ta-rốt và Na-ra-tha, đụng Giê-ri-cô, rồi giáp sông Giô-đanh. 8 Từ Tháp-bu-ách giới hạn đi về hướng tây đến khe Ca-na, rồi giáp biển. Đó là sản nghiệp của chi phái Ép-ra-im, tùy theo những họ hàng của chúng. 9 Người Ép-ra-im cũng có những thành và làng riêng ra giữa sản nghiệp của người Ma-na-se.” (16:5-9)

. Tuy nhiên điều đáng buồn là họ “không đuổi được dân Ca-na-an ở tại Ghê-xe”, họ vẫn sống chung với dân Ca-na-an mặc dầu bắt họ phải nộp thuế.

b.      Chi phái Ma na se (17:1-18)

. Câu chuyện phân chia đất cho phân nửa chi phái Ma na se còn lại là một câu chuyện thú vị, cả chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực. Như đã nói, chi phái Ru bên, Gát và Ma na se thấy đất đai phía tây là trù phú, nên nài nỉ Môi-se chia cho mình mà không đợi cho đến khi hoàn toàn chinh phục đất. Tuy nhiên, khi chia đất, người Ma na se không chia phần cho các con gái. “Vả, Xê-lô-phát, con trai của Hê-phe, cháu của Ga-la-át, chắt của Ma-ki, chít của Ma-na-se, không có con trai, chỉ có con gái, tên là Mách-la, Nô-a, Hốt-la Minh-ca và Thiệt-sa.[3] 4 Các con gái nầy đến trước mặt thầy tế lễ Ê-lê-a-sa, trước mặt Giô-suê, con trai Nun, và trước mặt các quan trưởng, mà nói rằng: Đức Giê-hô-va đã phán cùng Môi-se ban cho chúng tôi một phần sản nghiệp trong anh em chúng tôi”. Lời đề nghị của họ được chấp thuận. “Giô-suê vâng mạng của Đức Giê-hô-va, bèn ban cho một phần sản nghiệp trong anh em của cha các con gái đó.

. Địa phận của phân nửa chi phái Ma na se “Giới hạn từ A-se đến Mít-mê-thát đối ngang Si-chem, rồi chạy đến Gia-min về lối dân Ên-Tháp-bu-ách…”. Đây là phần đất giáp với chi phái Ép ra im nằm hai bên bờ sông Giô-đanh. Dầu được phân chia một vùng lãnh thổ rộng lớn, nhưng người Ma na se vẫn không thỏa lòng. Họ “nói cùng Giô-suê rằng: Chúng tôi đã thành một dân đông, vì Đức Giê-hô-va đã ban phước cho chúng tôi đến ngày nay; vậy tại làm sao ông ban cho chúng tôi chỉ một phần đất làm sản nghiệp?”. Câu trả lời của Giô-suê cho họ thật ý nghĩa: “Nếu các ngươi đông như vậy, và núi Ép-ra-im rất hẹp cho các ngươi, thì hãy lên khai phá rừng, đặng làm một chỗ ở cho mình trong xứ dân Phê-rê-sít và dân Rê-pha-im. Nhưng con cháu Giô-sép đáp rằng: Núi không đủ chỗ cho chúng tôi; còn miền đồng bằng, hết thảy dân Ca-na-an ở đó, dân Bết-Sê-an, và người ở các thành địa hạt nó, luôn những người ở trong trũng Gít-rê-ên, đều có thiết xa. 17 Giô-suê bèn nói cùng nhà Giô-sép, tức là Ép-ra-im và Ma-na-se, mà rằng: Ngươi là một dân đông, có sức lớn, sẽ chẳng lãnh chỉ một phần đất thôi; 18 nhưng núi sẽ thuộc về ngươi; dầu là một cái rừng, ngươi sẽ khai phá nó, và các bờ cõi nó sẽ thuộc về ngươi; vì ngươi sẽ đuổi dân Ca-na-an, mặc dầu chúng nó có thiết xa và là cường thạnh.

. Con người thường “trọng nam khinh nữ”, giống như chi phái Ma na se. Chúng ta không biết lý do tại sao người Ma na se không chia đất cho các cô gái con của Xê lô phát. Phải chăng vì cha cô là người xấu, hay tại vì họ quan niệm rằng những người nữ là không xứng đáng nhận sản nghiệp của mình như người nam. Người kể chuyện chỉ thuật lại câu chuyện mà không đưa ra một lời nhận xét nào. Tuy nhiên qua câu chuyện, có thể thấy, Đức Chúa Trời đã kịp chấn chỉnh sự sai trật, bày tỏ lòng thương xót của Ngài khi cho phép Giô-suê phân phát cho họ phần sản nghiệp chung với anh em mình. Trong Chúa không có sự phân biệt đối xử giữa nam nữ, tất cả đều bình đẳng trước mặt Đức Chúa Trời và được hưởng phước như nhau.

. Điều đáng buồn là con cháu Giô sép, dầu đã được phân chia cho một phần đất rộng lớn, nhưng vẫn muốn xin thêm. Họ viện lý do vì kẻ thù còn lại trong xứ là mạnh mẽ, có nhiều thiết xa … mà không chịu đi lên để chiếm lấy. Đây là thái độ hoàn toàn ngược lại với thái độ của Ca lép khi xin được đi đánh dân A na kim. Câu trả lời của Giô-suê cho họ hàm ý, người Ma na se thì đông, nhưng đức tin thì quá nhỏ bé.   

5.      Phần Của Chi Phái Bên gia min (18:1-28)

a.       Hội nghị tại Si lô (18:1-7)

. Có vẻ như đã có vấn đề trong việc phân chia đất sau khi hoàn tất phần bốc thăm cho các cho phái vừa kể. Giô-suê triệu tập một hội nghị toàn Y-sơ-ra-ên. Chủ đề chính của cuộc hội nghị là giải quyết việc phân chia đất đai cho bảy chi phái còn lại. “Giô-suê bèn nói cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: Các ngươi lần lữa cho đến chừng nào, không đi chiếm xứ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ các ngươi ban cho các ngươi? 4 Hãy chọn từng chi phái ba người, rồi ta sẽ sai đi …”.

. Chữ “lần lữa” (Heb. raphah) diễn đạt trạng thái lưỡng lự, không thỏa lòng của các chi phái còn lại. Người kể chuyện không nói rõ lý do của thái độ này. Câu nói “xứ đều phục trước mặt họ” cho thấy lý do chính không phải là vì họ lo sợ phải gặp sự chống đối từ phía kẻ thù. Nhưng quả thật, có một “điều gì đó” trong lòng họ, khiến họ vẫn còn lưỡng lự mà không nhiệt tình trong việc nhận lấy phần đất của mình.

b.      Hành động vâng lời của các chi phái (c.8-10)

. Sau lời nhắc nhỡ của Giô-suê, bảy chi phái thống nhất cử những người đại diện để đi đo đạt và vẽ bản đồ của xứ. Sau khi thực hiện theo lời của Giô-suê, lễ bốc thăm một lần nữa được diễn ra, nhưng lần này tổ chức ở một nơi khác là Si lô.

c.       Phần của chi phái Bên gia min (11-17)

. Địa phận của chi phái Bên gia min bao gồm phần lãnh thổ  giữa chi phái Giu-đa và chi phái Giô-sép. Giới hạn của Bên-gia-min về phía bắc chạy từ Giô-đanh, đi lên phía sau Giê-ri-cô về hướng bắc; đoạn bò lên núi, rồi giáp đồng vắng Bết-A-ven”.

Có thể thấy, phần của Bên gia min là phần đất nhỏ nhất so với các chi phái khác. Đây là phần đất nằm xen giữa phần đất của chi phái Ép ra im và Giu đa. Bên gia min sở hữu phần đất vốn là tổng hành dinh của Y-sơ-ra-ên, tức vùng đất đầu tiên khi họ vừa bước chân đến khi vào đất hứa.

Chi phái Bên gia min vui lòng nhận phần nhỏ nhất dành cho mình để làm sản nghiệp.  

6.      Phần Của Sáu Chi Phái Còn Lại (19:1-51)

Giống như chi phái Bên gia min, sáu chi phái còn lại tiếp tục nhận lấy phần mình:

a.       Chi phái Si mê ôn bắt thăm nhận lấy phần đất nằm trong phần đất của chi phái Giu đa. Đây là phần mà chi phái này cắt ra cho chi phái Si mê ôn.[4]  

b.      Chi phái Sa bu lôn bắt thăm nhận lấy phần đất thuộc miền Bắc gần Biển Ga li lê.

c.       Chi phái Y sa ca bắt thăm nhận lấy phần đất thuộc miền Bắc Y-sơ-ra-ên.

d.      Chi phái A se bắt thăm nhận lấy phần đất thuộc miền cực Bắc Y-sơ-ra-ên giáp biển.

e.       Chi phái Nép ta li bắt thăm nhận lấy phần đất thuộc miền cực Bắc Y-sơ-ra-ên giáp với chi phái A se.

f.       Chi phái Đan bắt thăm nhận lấy phần đất thuộc miền Nam Y-sơ-ra-ên giáp với Giu đa, Ép ra im và Bên gia min.

7.      Phần của Nhà Giô-suê: “Khi người ta đã chia xứ theo giới hạn xong rồi, thì dân Y-sơ-ra-ên lấy ở giữa mình một sản nghiệp mà cấp cho Giô-suê, con trai của Nun. 50 Dân Y-sơ-ra-ên vâng mạng của Đức Giê-hô-va, cấp cho người cái thành mà người xin, tức là thành Thim-nát-Sê-rách trong núi Ép-ra-im. Người xây thành và ở tại đó.

Kết Luận:

            . Câu chuyện về sự phân chia đất là một bài học quí báu cho Cơ-đốc nhân ngày nay. Đức Chúa Trời là Đấng Thánh Tín và Giàu có, sẵn lòng ban phước cho những ai sống đắc thắng cho Ngài. Trên cơ bản, ai cũng ít nhiều nhận được phước hạnh cho mình. Tuy nhiên, để trở nên giàu có và hưởng phước lâu dài. Người nhận đước phước phải tiếp tục bước đi trong sự tin cậy vâng lời. Phải biết quản lý những gì Chúa cho để đem đến phước hạnh cho người khác. “Lòng rộng rãi sẽ được no nê; Còn ai nhuần gội, chính người sẽ được nhuần gội” (Châm 11:25).



[1] Không tính chi phái Lê vi, vì con cháu Giô sép có đến hai chi phái nên vẫn còn đủ mười hai chi phái.
[2] Về sau Đa vít đã làm vua tại Hếp rôn và trị vị tại đây trong thời gian bảy năm sáu tháng trước khi dời thủ đô về Giê-ru-sa-lem (II Sa 5:3)
[3] Xê lô phát là cháu của Ga la át, chắt của Ma ki, chít của Ma na se. Xê lô phát chết trong cuộc nổi loạn của đảng Cô rê, để lại 5 cô con gái. Có lẽ đó là lý do khiến cho khi chia đất bên kia sông, họ không được nhận phần của mình.
[4] Giu đa và Si mê ôn cùng là con của Lê-a

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét