Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

TỪ GIÔ-ĐANH ĐẾN GHINH-GANH


BÀI 4

TỪ GIÔ-ĐANH ĐẾN GHINH-GANH

Kinh Thánh Giô suê 3:1-5:15

Mục tiêu:

-         Giúp học viên nhận biết và kể ra được thể nào phép lạ Chúa làm cho Y-sơ-ra-ên tại Giô-đanh, việc Chúa truyền cho họ lập đài tưởng niệm tại Ghinh-ganh để ghi nhớ việc Chúa làm.

-         Giúp học viên cảm nhận được phước hạnh bởi phép lạ báp tem bằng Đức Thánh Linh và ghi nhớ cột mốc lịch sử trong đời sống theo Chúa, nhìn biết những gì Chúa làm cho mình trong quá khứ để rút ra bài học cho tương lai.

-         Giúp cam kết bước đi và vâng lời Chúa dựa vào bài học lịch sử của đời sống mình.

Dẫn nhập:

          Nhiều người thường không có cái nhìn đúng về quá khứ mình. Có người cố quên một quá khứ đau buồn, người khác lại cố nhớ một quá khứ vẻ vang. Nhiều khi, điều cố quên thì lại nhớ, điều cố nhớ thì lại quên. “Người ta thường nuối tiếc quá khứ, mơ ước về tương lai, nhưng chán nản với hiện tại”.

          Thật ra Thánh kinh cho chúng ta biết Đức Chúa Trời tể trị trên tất cả dòng lịch sử của nhân loại. Ngài cũng luôn có mặt với con cái Ngài chẳng những trong hiện tại mà còn cả quá khứ và tương lai nữa. Vì thế, đối với Cơ-đốc nhân, không có một quá khứ nào chỉ để quên đi, cũng không có sự vẽ vang nào chỉ để nhớ đến. Đức Chúa Trời luôn muốn con cái Ngài lưu giữ quá khứ đã qua, đánh dấu những kỷ niệm và xem nó như một người thầy tốt để dạy chúng ta phải làm gì trong tương lai. Người khôn ngoan là người biết nhìn lại quá khứ để nhận ra ý muốn Chúa dành cho mình và cẩn thận làm theo để được phước trong tương lai.

           Khép lại câu chuyện đẹp đẽ của các thám tử và nàng Ra-háp, người kể chuyện tiếp tục trở lại câu chuyện chinh phục đất hứa của Y-sơ-ra-ên. Thời khắc quan trọng đã đến. Khi hội đủ cả ba yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Giô-suê truyền lịnh xuất phát. Một lần nữa dân Y-sơ-ra-ên kinh nghiệm phép lạ Chúa làm khi Ngài dẫn dắt họ đi ngang qua một dòng nước. Đức Chúa Trời lại tiếp tục rẽ nước sông Giô-đanh để đoàn dân Y-sơ-ra-ên đi qua như đi trên đất khô. Tuy nhiên trong lần này, sau khi qua khỏi Giô-đanh, Chúa truyền cho họ một mạng lệnh lạ lùng: Sai mười hai người đại diện mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên, lấy mười hai tảng đá dưới sông Giô-đanh để lập một đài tưởng niệm nơi trạm đầu tiên mà họ nghỉ đêm sau khi qua khỏi sông… Sau đó, Chúa còn truyền cho Y-sơ-ra-ên thực hiện những nghi lễ đặc biệt như phép cắt bì và Lễ Vượt qua cho cả dân sự tại đó.

          Quảng đường từ Giô-đanh đến Ghinh-ganh là một khoảng cách chỉ bằng một ngày đường, Ghinh-ganh cũng chỉ là một nơi tạm dừng chân, nhưng tại đây đánh dấu một cột mốc vĩ đại trong lịch sử của Y-sơ-ra-ên. Sau khi bước qua Giô-đanh, tình trạng của Y-sơ-ra-ên đã hoàn tòan thay đổi. Bên kia sông, họ thuộc quyền kiểm soát của Ai cập, nhưng bên này sông, họ được tự do. Bên kia sông, họ bị kẻ thù rượt đuổi, nhưng bên này sông họ rượt đuổi kẻ thù. Bên kia sông, họ phải lượm ma-na để ăn mỗi ngày, nhưng bên này sông họ bắt đầu ăn thổ sản của xứ…Ai cập là quá khứ, nhưng Ca-na-an chính là tương lai. Có thể Ai cập là một quá khứ đáng buồn, nhưng Ca-na-an là một tương lai đáng nhớ. Và ở nơi chính giữa quá khứ và tương lai đó, Đức Chúa Trời truyền cho dân Y-sơ-ra-ên lập đài tưởng niệm để nhớ lại hầu nhận biết ý muốn Chúa và sống tốt đẹp hơn.

Hình ảnh minh họa:


 

 


              Biển Đỏ                             Giô-đanh               

Câu chuyện tại Giô-đanh và Ghinh-ganh cũng đem đến sự dạy dỗ cho Cơ-đốc nhân ngày nay về một biến cố thuộc linh quan trọng khác trên đường theo Chúa. Tại Giô-đanh có nhiều điều mà Y-sơ-ra-ên cần phải ghi nhớ, cũng vậy Cơ-đốc nhân cần ghi nhớ những ơn phước lẫn đau buồn của mình trong quá khứ để rút ra một bài học thuộc linh hầu sống tốt hơn trong tương lai.

I. PHÉP LẠ TẠI GIÔ-ĐANH (3:1-17)

          Đây là lần thứ hai Đức Chúa Trời dẫn Y-sơ-ra-ên ngang qua dòng nước. Lần thứ nhất sau khi ra khỏi ách nô lệ tại Ai cập, Đức Chúa Trời rẽ biển đỏ để họ đi qua (Xuất 14:21-31). Lần thứ hai Đức Chúa Trời lại rẽ sông Giô đanh (Giô 3:15-17). Thử so sánh điểm giống và khác nhau của hai sự kiện này giúp chúng ta tìm ra ý nghĩa thuộc linh của nó:

A.   GIỐNG NHAU:

NỘI DUNG
VƯỢT BIỂN ĐỎ
VƯỢT GIÔ ĐANH
Đối tượng
Đoàn dân Y-sơ-ra-ên + dân ngoại
Đoàn dân Y-sơ-ra-ên + dân ngoại
Nan đề
Phải vượt qua nước (biển Đỏ)
Phải vượt qua nước (sông Giô đanh)
Phương cách
Chúa rẽ nước tạo thành con đường cho dân sự đi qua
Chúa rẽ nước tạo thành con đường cho dân sự đi qua
Tình trạng
Đi qua dòng nước
Đi qua dòng nước
Kết quả
Danh Chúa vinh hiển, người lãnh đạo được tôn trọng, kẻ thù khiếp sợ.
 
Danh Chúa vinh hiển, người lãnh đạo được tôn trọng, kẻ thù khiếp sợ.
 

 

B.   KHÁC NHAU:

NỘI DUNG
VƯỢT BIỂN ĐỎ
VƯỢT GIÔ ĐANH
Thời gian chuẩn bị
Không có
3 ngày 3 đêm (kỳ tịnh tâm)
Người lãnh đạo trực tiếp
Môi-se
Giô-suê
Được dẫn dắt bởi
Trụ mây trụ lửa
Hòm Giao ước & Thầy tế lễ
Cách thực hiện
Môi-se giơ tay ra trên biển
Thầy tế lễ bước chân xuống
Vị trí kẻ thù
Ở sau lưng
Ở trước mặt
Kẻ thù
Pha ra ôn
Các vua Ca-na-an
Ý nghĩa
Bị truy đuổi
Chinh phục
Mục tiêu
Đi ra khỏi Ai cập
Đi vào đất hứa
Mạng lệnh
Không
Ghi nhớ bằng đài tưởng niệm

 

          Hai biến cố xảy ra ở đầu và cuối của khoảng thời gian 40 năm đánh dấu hai thời điểm quan trọng trong hành trình của Y-sơ-ra-ên: Ra khỏi Ai cập và vào Đất hứa. Vì là hai giai đoạn khác nhau nên mang ý nghĩa khác nhau như đã thấy. Hai biến cố trên gợi ý về hai biến cố quan trọng trong đời sống thuộc linh của Cơ đốc nhân: Phép báp têm bằng nước và báp têm bằng Đức Thánh Linh (So sánh I Cor 10:1-11 và Mat 3:11, Lu 3:16, Công 1:5, 19:2). Phép báp tem tại Biển Đỏ được thực hiện theo sự đòi hỏi của luật pháp, nhưng phép báp têm tại Giô đanh để làm theo giao ước với Chúa. Phép báp têm bằng nước hướng về sự đồng chết người cũ và sống lại người mới trong Chúa. Phép báp têm bằng Đức Thánh Linh hướng đến sự lột bỏ tánh xác thịt để sống theo Thánh Linh, kinh nghiệm đời sống phước hạnh trong Chúa.

          Đời sống theo Chúa của Cơ-đốc nhân là một tiến trình. Giống như dân Y-sơ-ra-ên, họ ra khỏi Ai cập là để vào đất hứa. Tuy nhiên, để đến được đất hứa, họ cần vượt qua Biển Đỏ và Giô-đanh. Cũng vậy, đời sống một Cơ-đốc nhân bắt đầu khi người ấy đến với Chúa, được cứu khỏi ách nô lệ của tội lỗi, được tái sanh và nhận báp tem bằng nước để chính thức trở thành công dân của Nước Trời. Tuy nhiên, để đắc thắng và trải nghiệm phước hạnh thật sự, người ấy phải nhận được báp tem bằng Đức Thánh Linh (Công 19:1-7). Báp tem bằng Đức Thánh Linh là một biến cố quan trọng đánh dấu sự chấm dứt đời sống cũ, đắc thắng xác thịt và nhận lấy năng quyền từ nơi Chúa để hầu việc Ngài. Báp têm bằng Đức Thánh Linh là một kinh nghiệm cần thiết giúp Cơ-đốc nhân nhận lấy năng quyền để đối đầu ma quỉ trong cuộc chiến thuộc linh. 

          Một chi tiết đáng chú ý là khi đi qua Biển Đỏ, Chúa không truyền cho Y-sơ-ra-ên lập đài tưởng niệm nhưng khi đi ngang qua Giô-đanh, Chúa truyền cho họ lập đài tưởng niệm để ghi nhớ khi họ vượt qua Giô-đanh. Điều này ẩn chứa một dạy dỗ thú vị cho Cơ-đốc nhân ngày nay.

1. Tìm Hiểu Về Địa Danh Giô-đanh

          Không có con sông nào trong Thánh Kinh lại mang nhiều ý nghĩa như sông Giô-đanh. Thật ra Giô-đanh là phần đất sụt xuống như một thung lũng giửa hai rặng núi. Các thượng nguồn của sông được cung cấp nước bởi những con suối và đều chảy vào hồ Hu-lê, 70 mét cao hơn mặt biển. Cách 10 km về phía nam gần Hồ Ti-bê-ri-át, mặt sông lại thấp hơn Địa Trung Hải gần 200 mét, khi gần đến Biển Chết mặt nước lại thấp hơn 177 mét nữa, tổng cộng sông Giô-đanh thấp hơn 393 mét so với mặt biển, tạo thành một dòng sông chảy xiết. Vì thế tên Giô-đanh có nghĩa là “Con Sông chảy xuống”. Dòng sông dài khoảng 120 km từ hồ Hu-lê đến Biển chết, trải qua những khúc uốn lượn quanh co. Nơi hạ lưu sông Giô-đanh, là nơi Chúa Giê-xu đã từng chịu phép báp tem để bắt đầu chức vụ.

2. Sự Chuẩn Bị Bên Mé Sông Giô-đanh (3:1-13)

          Khác hẳn với bầu không khí khẩn trương gấp rút tại Biển Đỏ, việc vượt sông Giô-đanh được chuẩn bị một cách chậm rãi và trật tự.

          a. Kỳ tịnh tâm để biệt riêng ra thánh (c.1-2): Khi đến mé sông Giô-đanh, thay vì đi ngay. Giô-suê truyền cho dân sự đóng trại tại đó đến cuối 3 ngày.

Người kể chuyện không nói rõ tại sao dân Y-sơ-ra-ên không qua sông ngay mà dừng lại đến cuối ba ngày. Tuy nhiên nếu so sánh với Giô 4:19 và 5:10, đây là thời điểm trước ngày Lễ Vượt Qua của dân Y-sơ-ra-ên, đây cũng là thời điểm lịch sử mà bốn mươi năm trước Môi-se cũng đã dẫn dân Y-sơ-ra-ên đi qua Biển Đỏ (Xuất 14: ). Dân Y-sơ-ra-ên thường biệt riêng thì giờ trước lễ Vượt Qua để cầu nguyện và xét mình trước khi dự lễ. Có thể coi đây là kỳ tịnh tâm cần thiết để dân sự Chúa nhớ lại những gì Chúa đã làm cho mình và dọn mình thanh sạch để ra mắt Chúa.   

          b. Thiết lập thứ tự ưu tiên (3-6): Sau ba ngày, Giô-suê truyền lệnh cho dân sự ra đi. Đội hình di chuyển của họ theo thứ tự: Hòm Giao ước và Các Thầy Tế lễ đi trước, kế đến là dân sự đi theo với khoảng cách khoảng 900 mét.

          Khác hơn đội hình khi ra khỏi Ai cập, sự dẫn dắt của trụ mây và trụ lửa bây giờ thay thế bằng chiếc Hòm Giao ước, cả hai đều có chung một ý nghĩa là bày tỏ sự hiện diện của Chúa giữa dân sự. Điều này dạy rằng để được Chúa ban phước, Y-sơ-ra-ên cần phải để Chúa đi trước mình. Chúa phải là ưu tiên một trong đời sống của những ai muốn bước theo Ngài.

3. Phép Lạ Tại Giô-đanh (3:8-17)

          Khi dân Y-sơ-ra-ên đi theo mạng lệnh của Chúa, phép lạ đã xảy ra. Một lần nữa Đức Chúa Trời đã rẽ sông Giô-đanh cho dân sự Ngài đi qua. Những gì tác giả thuật lại qua phép lạ tại Giô đanh cho thấy quyền năng và sự dẫn dắt kỳ điệu của Chúa.

          Vả, trọn lúc mùa gặt, sông Giô-đanh tràn lên khỏi bờ - Khi các người khiêng hòm đến sông Giô-đanh, và chân của những thầy tế lễ khiêng hòm mới bị ướt nơi mé nước, 16 thì nước ở trên nguồn thường chảy xuống bèn dừng lại, dồn thành một đống rồi dân sự đi qua đối ngang Giê-ri-cô. 17 Những thầy tế lễ khiêng hòm giao ước của Đức Giê-hô-va dừng chân vững trên đất khô giữa sông Giô-đanh, trong khi cả Y-sơ-ra-ên đi qua trên đất khô, cho đến chừng cả dân đã qua khỏi sông Giô-đanh rồi.   

Một chi tiết thú vị, người kể chuyện không làm cho người nghe phải thắc mắc khi ghi rõ đây là thời gian của mùa gặt, khi mà nước sông Giô-đanh tràn lên khỏi bờ. Các Thầy Tế lễ khiêng hòm không phải bước xuống dưới sông, mà khi chân của họ vừa dẫm lên phần nước tràn trên bờ thì Chúa đã làm cho nước sông rẽ ra. Dòng sông đang chảy xiết thì bổng nhiên dừng lại thành một đống xa một khoảng đến thành A-đam bên cạnh Xát-than để dân sự đi ngang qua sông ngay trước mặt kẻ thù.

Khi các Thầy Tế lễ khiêng hòm đi đến giữa sông, Giô-suê truyền cho họ khiêng hòm và đứng tại đó đến chừng cả dân Y-sơ-ra-ên đi qua khỏi sông. Điều này cũng giống như khi dẫn dân Y-sơ-ra-ên đi qua biển đỏ trong Xuất 14:19 “Thiên sứ Đức Chúa Trời đã đi trước trại quân của dân Y-sơ-ra-ên lộn lại đi sau; còn trụ mây vốn đi trước trại quân, lại ở về sau. Hình ảnh này thật kỳ diệu để nói lên sự che chở dẫn dắt của Chúa đối với con cái Ngài.

          Đức Chúa Giê-xu xứng đáng để được đi trước con cái Ngài. Nhưng không phải lúc nào Ngài cũng nắm giữ sự ưu tiên này. Có lúc Ngài cũng đi sau họ, thậm chí tình nguyện nhận lấy một vị trí thấp hơn vì lợi ích của họ (Giăng 13:1-13, Phi 2:1-6). Thật đáng ngợi khen thay tình yêu cao quí của Ngài.

II. ĐÀI TƯỞNG NIỆM TẠI GHINH-GANH (4:1-24)

          Khi cả dân đã qua khỏi Giô-đanh rồi, Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Giô-suê rằng: 2 Hãy chọn trong dân sự mười hai người, mỗi chi phái một người; 3 rồi truyền lịnh nầy cho các người đó: Hãy lấy mười hai hòn đá tại đây giữa sông Giô-đanh, từ nơi chân những thầy tế lễ đứng vững, rồi đem nó theo, và đặt tại chỗ các ngươi sẽ ngủ ban đêm Về sau, khi con cháu các ngươi hỏi rằng: Những hòn đá nầy có nghĩa chi? 7 thì hãy đáp rằng: Ấy là nước sông Giô-đanh đã rẽ ra trước hòm giao ước của Đức Giê-hô-va; khi hòm đi ngang qua sông Giô-đanh; thì nước sông bèn rẽ ra; các hòn đá nầy dùng cho dân Y-sơ-ra-ên làm kỷ niệm đời đời.

          Đây không phải là lần duy nhất Chúa truyền cho Y-sơ-ra-ên phải làm một điều gì đó để kỷ niệm (Xuất 3:15, 13:3,9, 17:14, 28:12, I Cor 11: 24-27). Đức Chúa Trời luôn muốn con cái Ngài ghi nhớ việc Ngài đã làm cho họ. Nhớ lại những việc Chúa làm cho mình giúp nhận biết ý muốn Chúa và cố gắng làm đẹp lòng Ngài.

1. Mạng Lệnh Chúa Truyền Về Việc Lập Đài Tưởng Niệm (4:1-7)

          a. Hãy chọn trong dân sự mười hai người, mỗi chi phái một người. Hình ảnh nói lên sự hiệp nhất của toàn dân Y-sơ-ra-ên. Không phải chỉ một thành phần nào đó cần phải ghi nhớ, mà là toàn thể dân sự.

          b. Hãy lấy mười hai hòn đá tại đây giữa sông Giô-đanh, từ nơi chân những thầy tế lễ đứng vững. Không phải một hòn đá nào khác, mà là hòn đá nơi các Thầy Tế lễ đương đứng lên trên. Một sự nhắc nhỡ cần thiết cho dân sự Chúa về việc ghi nhớ công lao của những người Đức Chúa Trời biệt riêng ra để giúp đỡ dân sự (Hêb 13:7,17)*.   

          c. Hãy đặt tại chỗ các ngươi sẽ ngủ ban đêmVề sau, khi con cháu các ngươi hỏi rằng: Những hòn đá nầy có nghĩa chi? 7 thì hãy đáp rằng

          Mục đích chính của đài tưởng niệm là để nhớ đến những gì Chúa làm cho mình trong quá khứ. Nhìn lại quá khứ để thấy được bàn tay tể trị của Chúa trên đời sống mình trong đó có cả phước hạnh lẫn đau buồn. Quá khứ không phải là điều đáng để quên, nhưng để nhớ đến trong ý muốn tốt lành của Chúa để biết ơn Ngài.

2. Đài Tưởng Niệm Dưới Đáy Sông (4:8-18)

          Cần phân biệt giữa đài tưởng niệm Chúa truyền phải lập tại Ghinh ganh và đài tưởng niệm mà Giô-suê truyền dựng lên giữa sông Giô-đanh. Bản Kinh Thánh Hy lạp phân biệt rõ đây là 12 tảng đá khác mà Giô-suê truyền dựng ở đáy sông. Một số nhà giải kinh cho rằng đài tưởng niệm ở đáy sông Giô-đanh không phải là một đài tưởng niệm của quốc gia, nhưng là một đài tưởng niệm cá nhân mà Giô-suê muốn lập lên để ghi nhớ dấu chân của ông cùng những người theo ông đã bước qua đó.

          So sánh với đài tưởng niệm tại Ghinh-ganh mà Chúa truyền phải làm trên đất, đài tưởng niệm của Giô-suê được đặt tại đáy sông, nơi sâu nhất của dòng sông, nơi mà dòng nước sau đó sẽ khỏa lấp nó. Sẽ không ai thấy đài tưởng niệm này ngoại trừ những người đã từng bước đi qua đó. Đài tưởng niệm ở đáy không không lập nên để khoe khoang, nhưng chỉ để ghi nhớ những gì Chúa làm trên đời sống những người theo Ngài. Bên cạnh những kỷ niệm về Đức Chúa Trời luôn có những kỷ niệm của con cái Ngài. Càng tận hiến cuộc đời để sống vì người khác, người hầu việc Chúa càng có nhiều kỹ niệm đẹp để ghi nhớ.

3. Đài Tưởng Niệm Tại Ghinh-ganh (4:19-24)

          Sau khi qua khỏi sông Giô-đanh, dân Y-sơ-ra-ên khoảng một ngày đường và đóng trại tại Ghinh-ganh, một nơi nằm giữa Giê-ri-cô và Giô-đanh. Tại đây Giô-suê truyền cho dân Y-sơ-ra-ên dựng đài tưởng niệm theo lệnh truyền của Chúa.

          Địa danh Ghinh-ganh có thể mang nghĩa là “vòng tròn sắp đặt từ những hòn đá” hoặc sự “lăn tròn”. Ý nghĩa của địa danh này đã được xác định trong Giô 5:9 “Bấy giờ, Đức Giê-hô-va phán cùng Giô-suê rằng: Ngày nay ta đã cất khỏi các ngươi sự xấu hổ của xứ Ê-díp-tô. Nên người ta gọi chỗ ấy là Ghinh-ganhNghĩa là lăn tròn  cho đến ngày nay”. Chữ “cất khỏi” ở đây còn có nghĩa là “lăn ra khỏi” (rolled away). Tại Ghinh-ganh, Chúa “lăn ra” khỏi Y-sơ-ra-ên sự xấu hổ nhơ nhuốc ở Ai cập. Đây cũng là động từ chỉ về việc Thiên sứ lăn hòn đá ra khỏi mộ phần sau khi Chúa Giê-xu sống lại. Chúa Giê-xu phục sinh đem đến sự đắc thắng cho con cái Ngài. Nhờ vào sự sống phục sinh của Chúa, Cơ-đốc nhân có thể thắng hơn những sự cám dỗ của xác thịt và sống đời sống vinh hiển danh Chúa.

          Ghinh-ganh thực sự là một địa danh đáng nhớ đối với Y-sơ-ra-ên và cũng đáng nhớ đối với Cơ-đốc nhân trên bước đường theo Chúa:

Ý Nghĩa đối với Y-sơ-ra-ên
Ý nghĩa đối với CĐN
Chúa cất sự xấu hổ tại Ai cập
Chúa giúp thoát khỏi đời sống thất bại của xác thịt
Tổng hành dinh của Y-sơ-ra-ên dùng để tấn công Giê ri cô
Tổng hành dinh của Cơ-đốc nhân để chiến đấu trong cuộc chiến thuộc linh
Ghi nhớ phép lạ Chúa làm cho Y-sơ-ra-ên
Ghi nhớ phép lạ Chúa làm cho CĐN
Nơi cả Y-sơ-ra-ên chịu cắt bì
Nơi CĐN thoát khỏi tánh xác thịt (Côl 2:11)
Nơi cả Y-sơ-ra-ên dự Lễ Vượt qua đầu tiên tại Ca na an
Nơi CĐN nhờ Chúa vượt qua đời sống cũ và kinh nghiệm sự đắc thắng
Nơi ma na không còn ban xuống
Nơi đánh dấu sự trưởng thành thuộc linh

                   

III. NHỮNG NGHI LỄ TẠI GHINH-GANH (5:1-12)

          Có hai nghi lễ quan trọng Chúa truyền Y-sơ-ra-ên phải tuân giữ khi ở tại Ghinh-ganh:

1. Phép Cắt Bì (5:1-8)

          Là nghi lễ khó “diễn tả” nhất trong tất cả những nghi lễ Chúa truyền cho dân Y-sơ-ra-ên phải tuân giữ. Nguồn gốc của phép cắt bì bắt nguồn từ thời Môi-se (Xuất 4:24). Chúa truyền cả Y-sơ-ra-ên và người ngoại bang theo Chúa phải tuân giữ (Xuất 12:44). Lúc đầu là chỉ dành cho trẻ con, nhưng về sau áp dụng cho cả người trưởng thành (Giô 5:2-5). Về sau thời Tân ước giải thích ý nghĩa và mục đích của phép là để “lột bỏ tánh xác thịt” (Col 2:11). Cơ-đốc nhân ngày nay không nhận được mạng lệnh phải chịu phép cắt bì trong thân thể (Ga 5:2,12), nhưng vẫn phải giữ phép cắt bì thuộc linh, tức phải lột bỏ tánh xác thịt và sống theo Thánh Linh của Chúa (Ga 5:16-25).

          Tại Ghinh-ganh, Chúa truyền cho Giô-suê phải sắm sửa những con dao bằng đá lửa để cắt bì cho tất cả dân sự. Lý do của nghi lễ được giải thích là vì những người ra khỏi Ai cập trước đó bốn mươi năm đều đã chết, những người đang sống đều chưa chịu phép này.

          Không ai có thể đắc thắng cho Chúa nếu vẫn sống trong đời sống yếu đuối xác thịt. Điều quan trọng của phép cắt bì không phải là một dấu hiệu bề ngoài mà là dấu hiệu bên trong khi một người đầu phục Đức Thánh Linh. Toàn dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa phải chịu cắt bì trước khi đánh chiếm xứ, cũng vậy ngày nay con cái Đức Chúa Trời cần phải lột bỏ tánh xác thịt để đắc thắng cho Ngài.

2. Giữ Lễ Vượt Qua Lần Thứ Nhất Tại Ghinh-ganh  (5:9-12)

          Sau khi thực hiện phép cắt bì cho dân sự, Chúa truyền cho họ giữ Lễ Vượt Qua. Đây là Lễ Vượt Qua đầu tiên mà dân Y-sơ-ra-ên dự tại Ca-na-an. Ghinh-ganh cũng đánh dấu một chuyển biến quan trọng cho dân Y-sơ-ra-ên: “Chánh ngày đó, dân sự ăn thổ sản của xứ, bánh không men, và hột rang. 12 Ngày mà chúng đã ăn lúa mì của xứ, thì đến sáng mai ma-na hết; vậy, dân Y-sơ-ra-ên không có ma-na nữa, nhưng trong năm đó ăn những thổ sản của Ca-na-an”.

          Không thể nào tả xiết nỗi vui mừng của dân Y-sơ-ra-ên khi lần đầu tiên họ hưởng lấy hương vị của những thổ sản của xứ thánh, nơi đượm sữa và mật mà Đức Chúa Trời ban cho. Nhưng khi họ nhận được đều Chúa hứa, cũng là lúc ma na không còn ban xuống. Bắt đầu từ Ghinh-ganh, dân sự được hưởng phước lành Chúa cho, nhưng họ phải tiếp tục “vun trồng” và “gìn giữ” những thành quả đó. Chúa ngưng ban ma na không có nghĩa Ngài ngưng tiếp trợ, nhưng Đức Chúa Trời tiếp trợ họ một cách khác hơn. Tại đồng vắng, mỗi người chỉ lượm ma na đủ dùng cho mình mà không được lượm nhiều hơn, nhưng tại Ca-na-an họ được tự do thâu trữ sản vật của xứ. Nhưng để hưởng được lâu dài, họ cần phải tiếp tục chinh phục cho đến khi hoàn toàn chiếm xứ.   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét